Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Dior, Vogue có cuộc trò chuyện với nhà báo thời trang Alexander Fury hôm 26/7, lý giải về sự nổi tiếng của bộ sưu tập New Look kinh điển. Fury là một trong những người hỗ trợ nhà mốt biên soạn Dior: The Collections, 1947-2017. Cuốn sách phát hành hồi tháng 6, gồm 1.146 bức ảnh tư liệu và những thành tựu của hãng qua bảy đời giám đốc sáng tạo.

Tháng 2/1947, chiến tranh lạnh diễn ra tại Paris. Chistian Dior, khi ấy 42 tuổi, lần đầu tiên ra mắt bộ sưu tập Corolle tại số 30, đại lộ Montaigne, Paris. Bộ cánh tiêu biểu nhất trong đó là bar suit với áo thít chặt eo kèm chân váy xòe dài qua gối. Sau show diễn, Carmel Snow - tổng biên tập khi ấy của Harper’s Bazaar - đã thốt lên: "It’s such a New Look!" (Thật là một sự cải cách trong phong cách). Kể từ đó, bộ sưu tập được nhớ đến dưới cái tên New Look, còn bar suit ngay lập tức gây hiệu ứng "sét đánh" với làng thời trang lúc bấy giờ và kéo dài gần một thập kỷ sau. 

Bộ bar suit nổi tiếng của New Look.

Người mẫu Renée Breton trong bộ bar suit của Christian Dior. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Willy Maywald, người chuyên chụp các thiết kế cho nhà mốt Dior. Nhiều người cho rằng tấm hình chụp trên bờ sông Seine năm 1947, nhưng thực tế nó được thực hiện từ khoảng giữa tới cuối thập niên 1950.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nguyên vật liệu bị thắt chặt, may mặc tiết kiệm, vải vóc thô cứng. Trong bối cảnh đó, Dior lại dám mạnh tay dùng gần 20 mét vải chỉ để cắt may một chiếc váy xòe. Thiết kế được coi là biểu tượng vì sự mềm mại, dịu dàng và thể hiện sự tôn kính với phái nữ.

New Look như một liều thuốc giải độc cho nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Nhà báo Alexander Fury nhận định bộ sưu tập là ví dụ điển hình nhất về thời trang thoát ly với thực tế. "Nó mang tính lịch sử, thể hiện sự hào phóng trong cách sử dụng vải tại thời điểm mà không ai còn tâm trí màng đến thời trang. Điều đó khiến mọi người khao khát chúng", Fury nói.

Bộ sưu tập cũng tái khẳng định "chủ quyền" của Paris rằng đây thực sự là kinh đô thời trang. Trong ấn phẩm tháng 4/1947, Vogue viết: "Tân nhà mốt cao cấp Paris - Chistian Dior - không chỉ trình làng bộ sưu tập đẹp lạ thường, mà còn mang tới cho làng mốt Pháp cao cấp một sự đảm bảo mới về năng lực riêng. Vì giao dịch cao cấp là thứ thiết yếu trong kinh tế nước Pháp. Thành công nhanh chóng của Dior ở Paris không chỉ có ý nghĩa về mặt thời trang mà còn về kinh tế và chính trị".

Christian Dior đang thực hiện một mẫu thiết kế trong thập niên 1950.

Christian Dior đang thực hiện một mẫu thiết kế trong thập niên 1950.

Christian Dior luôn nói rằng ông muốn Dior là một nhà mốt nhỏ bé sang trọng nhưng những sáng tạo đã đưa hãng gần như ngay lập tức thành công vang dội trên quy mô toàn cầu. Vào năm 1949, sản lượng của Dior ước tính chiếm tới 75% lượng xuất khẩu thời trang Pháp và 5% tổng sản lượng xuất khẩu của nước này.

* Triển lãm "Designer of Dreams" lớn nhất của Dior trong 70 năm

Nói về trường phái mà Dior theo đuổi, từ xưa tới nay, nhiều người vẫn tranh cãi rằng Dior hiện đại hay lãng mạn. Fury cho rằng Dior thực sự thiên về lãng mạn. Điều này hiện rõ qua cách cắt phom và trang trí, qua tên bộ sưu tập hay chủ đề mỗi mùa. Yves Saint Laurent và John Galliano đã thành công khi lột tả vẻ thơ mộng qua những trang phục mà họ làm cho Dior.

Một sự thật khác được Fury chia sẻ là chính Dior đã bổ nhiệm Yves Saint Laurent kế nhiệm mình trong cuộc thảo luận với mẹ của nhà thiết kế Saint Laurent năm 1957. Điều này khác hẳn với thông tin trước nay cho rằng sau khi Christian Dior đột ngột qua đời vì đau tim, giám đốc hãng mới tìm đến và mời Saint Laurent về làm việc.

"Có lẽ Christian đã nghĩ đến việc rời khỏi vị trí ở nhà mốt. Christian hiểu rõ rằng Dior sẽ tiếp tục phát triển mà không cần có ông. Trong cuốn tự truyện của mình, ông từng nói rằng có tới hai Christian Dior - một người đàn ông và một thương hiệu. Christian nhận ra rằng Dior đã trở thành cái gì đó lớn hơn nhiều so với bản thân ông", Fury nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top