Sinh ra và lớn lên tại bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu trong một gia đình thuần nông, chàng trai dân tộc Thái - Nùng Văn Minh - chưa từng nghĩ sẽ theo con đường nghệ thuật hay trở thành một huấn luyện viên múa chuyên nghiệp. 

Bố mẹ không biết chữ nhưng lúc nào cũng căn dặn chị em Minh phải học hành chăm chỉ, phải biết lấy cái chữ và nuôi sống bản thân. Minh sáng đi học, chiều về lại phụ giúp bố mẹ, tối ôn bài. Ở trong bản, bạn bè trạc tuổi Minh chẳng mấy ai học hết cấp 2, chưa nói sẽ thi lên cấp 3 hay học đại học. 

Nùng Văn Minh. 

Nùng Văn Minh. 

Vừa tốt nghiệp cấp 2, Minh được nhận vào Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai theo gợi ý của người họ hàng xa (cũng là giảng viên của trường). Nhớ về quyết định của mình, Minh nói: "Ngày ấy em chỉ nghĩ học trường Trung cấp sẽ được miễn học phí, bố mẹ không phải nuôi ăn học. Còn bố mẹ cũng không hiểu trường nghệ thuật là gì, nhưng thấy em đi học là bố mẹ mừng rồi".

Đưa con lên trường, dù không hiểu gì về ngành múa, mẹ vẫn dặn con trai: "Đừng có ngại. Không biết thì cố bắt chước rồi làm theo những gì thầy cô giáo dạy".

Trong suy nghĩ của bố mẹ, chỉ cần Minh thành đạt giống người thầy ở dưới trường Trung cấp là đủ. Đi học xa, tiền học phí không mất nhưng sinh hoạt phí vẫn phải có. Mỗi tháng bố mẹ gửi cho Minh 1,2 - 1,4 triệu đồng từ tiền làm nông của gia đình.

Thương bố mẹ làm lụng vất vả, Minh xin các thầy cô cho đi diễn thêm bên ngoài để có tiền trang trải. Nhà cách trường 100km, tiền xe mỗi lần về cũng ngót nghét 200.000 đồng/ 2 lượt, dù nhớ nhà, nhớ bố mẹ chàng trai 16 tuổi vẫn kiên quyết ở lại cho đỡ tốn. 

Nùng Văn Minh và bố mẹ trong một buổi diễn tốt nghiệp. 

Nùng Văn Minh và bố mẹ trong buổi diễn tốt nghiệp. 

"Một năm em về quê có hai lần là hè và tết, nhìn các bạn về quê em thèm lắm. Nhưng em tự động viên bản thân ở lại trường cũng được tập luyện thêm các bài múa, có thêm kinh nghiệm cho bản thân", chàng trai người Thái chia sẻ. 

Không giống với các bạn cùng trường đã được làm quen với múa từ nhỏ, mọi thứ đối với Minh bắt đầu từ con số 0. Một chàng trai chưa từng biết uốn dẻo hay làm quen với các động tác múa sẽ cảm thấy lạc lõng, khó thích nghi.

Những bài tập cơ bản của ballet như ép dẻo, chỉnh cơ thể, uốn mình khiến anh chàng chịu nhiều đau đớn. Có những lúc ép dẻo đau đến phát khóc nhưng chưa chưa bao giờ Minh có suy nghĩ sẽ từ bỏ bởi phía sau lưng luôn có bố. Với chàng trai người Thái, bố chính là người ảnh hưởng đến con đường học tập. 

Nùng Văn Minh và bạn diễn.

Nùng Văn Minh và bạn diễn.

Lo sợ học đại học tốn kém, sợ gia đình không thể lo liệu, Minh từng chùn bước, nhưng bố nói với em: "Con cứ học đi, đừng có sợ gì cả. Có bố ở đây rồi". Nghe lời bố, Minh quyết tâm ôn luyện và nộp đơn thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội).

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2015, nam sinh xuất sắc trở thành thủ khoa của khoa Huấn luyện và Biên đạo múa. Biết tin con đỗ đại học, điều mà từ trước đến giờ tại bản Nà Hoy chưa từng có, gia đình em ai cũng phấn khởi, bố mẹ còn làm cỗ rồi mời hàng xóm sang chung vui. 

Từ cậu bé nhút nhát, tự ti với mọi người xung quanh, Nùng Văn Minh xuống Hà Nội nhập học. Khác với các bạn cùng trang lứa, Minh không phải "con nhà nòi". Cả gia đình em không có ai theo nghệ thuật, những bài học trên trường trung cấp Lào Cai chưa đủ giúp em tự tin với bạn bè. Tự nhận mình không phải người có năng khiếu nhưng với nỗ lực vươn lên trong học tập, 8 kỳ học Minh liên tiếp nhận học bổng cùng nhiều giải thưởng danh giá từ các cuộc thi. 

Chia sẻ về bí quyết học tập tốt các môn, chàng trai Thái cho biết quan trọng nhất là sự chăm chỉ và khả năng quan sát. Người học múa phải luyện tập nhiều, thực hành nhiều thành thuần thục. Bên cạnh đó, việc học tập, tìm hiểu trước bản sắc văn hóa độc đáo của từng dân tộc sẽ giúp diễn viên nhập tâm và thể hiện một cách rõ nét. Với Minh, diễn viên múa chính là người "thổi hồn" cho những tác phẩm nghệ thuật. 

Một buổi trình diễn của Nùng Văn Minh. 

Một buổi trình diễn của Nùng Văn Minh. 

Suốt 4 năm học, ngoài những buổi biểu diễn trong nước, Minh được mời sang Nhật Bản trình diễn trong buổi Giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm 2017. 

Năm 2019, Nùng Văn Minh tốt nghiệp loại xuất sắc và trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Hiện tại, Minh đang là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Múa dân gian của Học viện Múa Việt Nam. 

Ngoài công việc giảng viên, chàng trai dự định tiếp tục hoạt động trong ngành nghệ thuật múa, đồng thời học lên thạc sĩ để phục vụ công việc giảng dạy. 

"Ước mơ làm thầy giáo hình thành khi em vào trường trung cấp, được thấy các thầy truyền kiến thức, kinh nghiệm cho học sinh. Em mong muốn được giống thầy, được trở thành người lái đò giúp những học sinh miền núi như em đến gần với mơ ước", 9x chia sẻ. 

Thúy Quỳnh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top