ItalyNhững nạn nhân Covid-19 qua đời trong cô quạnh, không có người thân bên cạnh, thậm chí không được mặc quần áo. 

Khi Floriana Garbero mất đi người cha 78 tuổi hồi tháng 4 tại thành phố Torino, phía tây bắc Italy, cô không thể tổ chức tang lễ do lệnh phong tỏa. Cô chứng kiến linh mục thực hiện lễ an táng cho cha thông qua cuộc gọi video, cách nhà khoảng 500 km. "Thủ tục được thực hiện rất nhanh bởi nhiều thi thể khác đang chờ để được ban phước", cô nhớ lại.

Garbero (53 tuổi) định rải tro cốt của cha tại vườn hoa hồng trong một nghĩa trang ở Torino theo ý nguyện của ông. Nhưng cô không thể ra ngoài do lệnh phong tỏa cho đến 3/6. Đến nay, Garbero vẫn day dứt vì không thể tổ chức tang lễ đàng hoàng cho ông. 

"Cha tôi chết và được đưa đến nghĩa trang khi không có ai bên cạnh. Điều đó thật không đúng và khó có thể bù đắp. Ngay cả khi tôi có làm thánh lễ tưởng niệm, điều đó cũng vô nghĩa", cô nói.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang, dùng túi nilon bọc giày, đặt hoa trước mộ người thân qua đời vì Covid-19 ở Bergamo. 

Hàng chục nghìn gia đình ở Italy mất đi người thân giữa lệnh phong tỏa quốc gia hồi tháng 3 và 4. Mọi đám tang bị cấm và không thể tiễn đưa người chết theo văn hóa truyền thống.

Nhiều người vẫn chờ đợi để được an táng người thân. Đầu tháng này, thành phố phía bắc Brescia - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch - bắt đầu chôn cất tro cốt của 750 người chết vào tháng 3 và tháng 4. Quá trình này dự kiến kéo dài đến tháng 7 mới có thể hoàn tất.

Vào 12/5, đức giám mục Brescia làm lễ an táng cho khoảng 300 bình tro cốt tại nghĩa trang của thành phố và cử hành thánh lễ tưởng nhớ người quá cố.

Trong thời gian phong tỏa, các linh mục cử hành lễ an táng cho người chết mà không được tổ chức đám tang. Kể từ 18/5, các linh mục đã có thể cử hành thánh lễ tưởng niệm cho người chết với sự hiện diện của người thân, gia đình và đồng nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội, họ cũng chỉ có thể tham dự từ xa.

Đối với gia đình nạn nhân Covid-19, họ buộc phải chia tay từ trước khi người đó qua đời bởi mọi bệnh nhân đều được đưa vào khu cách ly. Những giây phút cuối đời, nhân viên y tế là người bên cạnh nạn nhân. Do nguy cơ lây nhiễm từ thi thể, người thân của bệnh nhân không được tiếp xúc và lễ tang truyền thống cũng bị hủy bỏ.

Elisabetta Bertolini (32 tuổi) ở Cremona, đau khổ khi cha cô, ông Carlo Bertolini, qua đời trong tình trạng không mặc quần áo. Những người đảm nhiệm việc hậu sự không mặc đồ cho ông.

"Chúng tôi chọn hỏa táng vì nếu không ông sẽ được chôn cất trong tình trạng khỏa thân. Đó là điều tôi không muốn, vì bố tôi là một quý ông. Tôi không thể ngủ được khi nghĩ về điều này", cô nói. Bertolini cho biết thêm, cô xác nhận danh tính thi thể cha qua những bức ảnh được gửi qua tin nhắn.

Các công nhân tại nghĩa trang Fonaci ở Brescia.  

Trong nhiều trường hợp, thi thể thậm chí còn không được linh mục làm lễ trước khi chôn cất hoặc hỏa táng. Mục sư Abramo Camisani tại thị trấn Cigole cho hay, với sự cho phép của Thị trưởng, ông tiến hành tang lễ hoàn chỉnh cho một nạn nhân Covid-19, 53 tuổi, ngay trước nhà, để chồng và con nhỏ của người này có thể tham gia cầu nguyện dù bị cách ly trong nhà.

"Có những đứa trẻ chứng kiến mẹ chúng rời khỏi nhà đến viện và không bao giờ gặp lại nữa", linh mục nói.

Đức cha Camisano cho biết, ông đã cử hành Thánh lễ cho tất cả 23 người trong thị trấn trong thời gian phong tỏa vào 7/6. Chỉ có thành viên trong gia đình người quá cố mới được tham gia, trong khi đám tang thông thường thu hút đông người đến nhà thờ.

Mục sư Marco Mori - ở gần nhà hỏa táng Brescia - nhớ lại khoảnh khắc làm lễ an táng đặc biệt. "Có 18 cỗ quan tài đặt cạnh nhau, tất cả đều là người xa lạ. Điều đó khiến tôi như nghẹt thở. Đây là điều rất đau đớn. Thậm chí chó cũng không bị chôn cất như thế", ông nói.

Mori dự kiến cử hành 50 thánh lễ cho giáo dân quá cố qua đời trong thời gian phong tỏa mà không được tổ chức đám tang. Quy định cách biệt cộng đồng khiến nhà thờ không thể tập trung đông như trước. 

Do số người chết ở miền bắc Italy tăng vọt trong đợt dịch, nhiều thi thể được chuyển đến nhà hỏa táng ở các thành phố hoặc khu vực khác. Hồi tháng 3, hình ảnh các xe tải vận chuyển thi thể người chết được đăng tải khiến nhiều người sốc.

Sau khi hỏa táng, một số gia đình còn gặp khó khăn trong việc xác định danh tính tro cốt. Consuelo Locati (49 tuổi), luật sư ở Bergamo cho biết cha cô qua đời vì nCoV hồi cuối tháng 3. Cô phải thực hiện hàng loạt cuộc điện thoại để được biết rằng ông được hỏa tháng ở Florence, cách đó hơn 100 km. Cô chỉ có thể chôn cất cha một tháng sau đó. "Chúng tôi không có tin tức gì, không có thông tin gì cả", cô nói.

Locati nói, chính quyền khu vực và địa phương nên làm nhiều hơn để tránh nhầm lẫn sau hỏa táng. Cô cho biết một số gia đình bị nhà tang lễ "vòi tiền" vận chuyển thi thể người thân về quê nhà.

Phát ngôn viên vùng Lombardy cho biết "đại dịch là cơn sóng thần" khiến nhiều người tử vong và chính quyền gặp khó khăn trong việc xử lý hậu quả sau đại dịch. Tuyên bố nói thêm, thành phố đang hoàn trả chi phí vận chuyển các thi thể trong mùa dịch. 

Huyền Anh (Theo Wall Street Journal)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top