Sau khi bị trúng đạn, mắt của Tirado bị sưng đỏ, chảy máu. Cô được một số người biểu tình đưa đến bệnh viện. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, cô được các bác sĩ thông báo mắt trái bị mù vĩnh viễn. Tuy nhiên, cô khẳng định sẽ tiếp tục hành nghề.

"Tôi vẫn có thể thấy hoa và mặt trời lặn. Chỉ có điều, tôi sẽ không biết chúng ở cách mình bao xa mà thôi!", cô chia sẻ.

Linda Tirado bị bắn mù mắt trái vĩnh viễn. Ảnh: Linda Tirado

Linda Tirado bị bắn mù mắt trái vĩnh viễn. Ảnh: Linda Tirado

Tirado, 37 tuổi, lái xe từ Nashville đến Minneapolis để chụp ảnh cuộc biểu tình. Cô đeo kính bảo vệ mắt nhưng nó đã bị rơi trong cuộc chạy trốn hỗn loạn khỏi hơi cay.

"Tôi đang nhắm bức ảnh tiếp theo, hạ máy xuống giây lát, và rồi mặt tôi phát nổ", Tirado nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại sau khi rời bệnh viện. "Tôi lập tức nhận thấy máu chảy ra và hét lên 'Tôi là phóng viên! Tôi là phóng viên!'". Cô nói bất cứ ai nhìn vào cũng có thể nhận ra cô là phóng viên đang tác nghiệp.  

Tirado cho rằng mình bị trúng đạn cao su từ phía cảnh sát. Nhưng người phát ngôn sở cảnh sát Minneapolis nói họ đã không sử dụng đạn cao su từ hàng chục năm nay.

Ngoài Tirado, nhiều phóng viên khác bị bắt hoặc tấn công bởi cảnh sát hay người biểu tình khi đưa tin về các cuộc nổi dậy đang diễn ra tại Mỹ sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis.

Trước đó, một phóng viên tại Louisville, Kentucky đã trúng đạn hơi cay khi đưa tin trực tiếp trên truyền hình, cô hét lên: "Tôi bị bắn! Tôi bị bắn!". Cảnh sát Louisville sau đó đã xin lỗi phóng viên bị trúng đạn.

Hai nhà báo của Reuters TV hôm 30/5 bị thương ở tay, lưng, cổ và gần mắt sau khi trúng đạn cao su từ cảnh sát. Một nhà báo da màu của CNN cũng bị cảnh sát bắt ngay khi đang lên sóng, đưa tin về biểu tình ở Minneapolis hôm 29/5. Ủy ban phóng viên vì tự do báo chí Mỹ nói với New York Times rằng họ nhận được 10 báo cáo về các vụ liên quan đến việc nhà báo gặp sự cố hoặc tai nạn nghề nghiệp khi đưa tin về các cuộc biểu tình.

George Floyd tử vong tại bệnh viện thành phố Minneapolis, bang Minnesota hôm 25/5 sau khi bị sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên cổ trong 9 phút dù anh liên tục cầu xin và nói rằng "tôi không thể thở".

Các cuộc biểu tình "Tôi không thể thở" khởi phát từ Minneapolis lan rộng khắp nước Mỹ, buộc chính quyền nhiều thành phố phải ban hành lệnh giới nghiêm, triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo an ninh. Nhiều người bị bắt, tài sản, nhà cửa, trung tâm mua bán ở nhiều nơi bị phá hoại. Chauvin hiện bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn. Tuy nhiên, nhiều người dân Mỹ không thỏa mãn với tội danh này.

Thiên Anh (Theo New York Times, News.com.au)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top