Nằm bất động trên giường, Lê Vũ Hoàng Minh (lớp 6/8, THCS Bạch Đằng, quận 3) nói giọng run run: "Mẹ đừng quạt nữa kẻo mỏi tay, con hết nóng rồi". Nhìn cậu con trai duy nhất tay phải bó kín, toàn thân không cử động được, chị trào nước mắt. "Giờ chỉ mong con nhanh hồi phục sức khỏe để sớm đến trường. Giờ có muốn trách móc ai cũng chẳng thể làm cho con tôi như lúc trước. Tai nạn là điều đáng tiếc và không ai mong muốn cả", chị Hồng nói.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, Minh hiện được điều trị tại khu chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. Dù là người bị nặng nhất, em ăn uống được, không than khóc nhiều, luôn tươi cười chào hỏi những người thân đến thăm dù phải nằm bất động.

"Em mới đi học được 3 tuần giờ chắc phải nghỉ hè lần nữa chỉ vì cái cây phượng kia. Em buồn vì không được đến lớp với các bạn nữa", Minh nói.

Minh được mẹ chăm sóc 3 ngày qua tại bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Hà An.

Minh được mẹ chăm sóc 3 ngày qua tại bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Hà An.

Câu học trò 12 tuổi nhớ như in vụ tai nạn kinh hoàng ba hôm trước. Lúc đó khoảng 6h20, em và 3 bạn khác ngồi ăn sáng gần góc phượng. Cây phương cổ thụ gốc 2 người ôm, cao hơn 10 m nằm cạnh lớp 6/8. Vừa ăn xong, Minh thấy nhiều lá cây rụng xuống liền ngước mắt lên nhìn thì một lá phượng rơi trúng mặt, và gần như lập tức, cây phượng đổ sập. Mọi việc xảy ra quá nhanh, Minh và 17 bạn khác không kịp phản ứng. Cành phượng to đập vào hông Minh, em ngồi gục xuống sân trường, ôm lưng khóc đau đớn. Xung quanh nhiều bạn khác người nằm, người ngồi vật vã la hét. 15 phút sau Minh được đưa lên cáng vào xe cấp cứu đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Nhìn con, chị Hồng kể, Minh học rất khá, đặc biệt giỏi môn Tiếng Anh. Chủ nhật nào em cũng tranh thủ sang nhà thầy học thêm. Trong thời gian dịch bệnh, vừa học bài trực tuyến, Minh vừa phụ mẹ đi chợ, nấu cơm. Thời gian đó, chị Hồng bị viêm khớp mãn tính, chân tay đau không làm gì được. Minh chính là trụ cột giúp đỡ mẹ vì bố em là lái xe công nghệ, thường vắng nhà.

"Tôi vừa mới vay mượn tiền, mổ chân phải cách đây 2 tuần nên giờ tập tễnh đi được. Vừa ra viện thì đến lượt con tai nạn, giờ phải vào viện chăm sóc nó", chị Hồng kể.

Cách Minh một giường bệnh, em Khải Hoàng, cùng học lớp 6/8 cũng đang điều trị. Hoàng bị chấn thương ở chân phải, phải phẫu thuật. Ba ngày nữa, Hoàng được xuất viện. Nhớ lại sự việc cây đổ, Hoàng nói đến giờ vẫn còn thấy sợ. 

"Khỏi bệnh em sẽ sang nhà Kiên (học sinh tử vong vì phượng đè - PV) thắp hương. Em buồn lắm", Hoàng nói.

Hiện trường cây phượng cổ thụ bật góc đè 18 học sinh, trong đó có một em tử vong sáng 26/5.

Hiện trường cây phượng cổ thụ bật gốc đè 18 học sinh sáng 26/5.

Ngồi bón cháo cho con, mẹ Hoàng chỉ mong con trai nhanh khỏe để được về nhà. Mấy hôm nay, Hoàng ăn rất ít vì sợ ói. Món bánh mì trứng ốp la em thích nhưng mẹ cũng chỉ dám đút 1/3 ổ. "Bác sĩ thông báo hai hôm nữa sẽ được xuất viện. Tôi nghe mà mừng phát khóc. Ba ngày qua tôi không ngủ vì lo cho cháu. Nhiều lần đến họp phụ huynh, tôi thấy cây phượng lớn và rễ nhìn nông lắm. Chưa kịp kiến nghị với nhà trường thì sự việc xảy ra rồi. Mình chỉ buồn thôi chứ đâu dám trách ai được", chị nói.

Theo bác sĩ Lê Phước Tân, Trưởng khoa Bỏng - Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Minh và Hoàng được mổ cách đây hai hôm. Hiện sức khỏe các em ổn định, không có dấu hiệu bất thường. Hoàng sẽ được ra viện vào thứ hai tới. Minh do chấn thương nặng nên phải ở lại theo dõi thêm.

Trước đó, khoảng 6h20 sáng 26/5, cây phượng 26 năm tuổi cao 10 m, thân hai người ôm tại trường THCS Bạch Đằng, quận 3, bất ngờ bật gốc. 18 học sinh đang ăn sáng dưới sân trường bị thương, trong đó em Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 6/8, tử vong ở Bệnh viện An Sinh. Ông Nguyễn Vạn Phúc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết mới về nhận nhiệm vụ được ba năm. Cây phượng được trồng năm 1996. Mỗi năm, trường đều thuê công ty quản lý cây xanh đến chăm sóc. Hồi tháng 2 - 3, đơn vị cây xanh cũng đến tỉa cành và bón phân các cây trong trường.

Khoảnh khắc cây phượng bật gốc, đổ xuống sân trường.

Hà An

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top