Thứ sáu, 29/5/2020, 10:15 (GMT+7)
Một người đàn ông Ấn Độ được đoàn tụ với gia đình sau hai năm nhờ đoạn video Tik Tok do một sĩ quan cảnh sát quay ở chân cầu vượt, cách nhà 2.000 km.
Roddam Venkateshwarlu (60 tuổi) mắc bệnh lãng tai, gặp khó khăn về biểu đạt, sống tại một ngôi làng ở bang Telangana, miền nam Ấn Độ. Ông có vợ và 5 người con, sống bằng nghề làm thuê. Ông mất tích hồi tháng 4/2018.
Gia đình ông đệ trình báo cáo mất tích nhưng không hề có manh mối nào trong suốt hai năm cho đến hồi tuần trước. Một bạn bè của gia đình đã phát hiện ra ông Venkateshwarlu trong video TikTok được đăng bởi một sĩ quan cảnh sát ở Ludhiana - nơi cách nhà họ hơn 2.000 km.
Video được đăng tải trên kênh Tik Tok của Ajaib Singh - một cảnh sát bang Punjab - có hơn 800.000 người theo dõi. Singh thực hiện các video về hoạt động từ thiện trong thời gian phong tỏa. Anh đi khắp Ludhiana để quyên góp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho lao động nhập cư nghèo.
Trong một video hồi đầu tháng 3, Singh phân phát thức ăn cho người sống dưới gầm cầu ở Ludhiana. Một người bạn của Peddiraju - con trai người đàn ông mất tích - đã xem và báo cho gia đình. Họ liên lạc với cảnh sát Ludhiana. Cảnh sát tìm thấy Venkateshwarlu và gọi điện để ông nhìn thấy con trai.
"Cả hai chúng tôi bật khóc khi nhìn thấy nhau. Bố ra hiệu bảo tôi đến đưa ông ấy về", Peddiraju nói. Anh cho biết thêm, do lệnh phong tỏa nên các phương tiện giao thông bị hạn chế trên cả nước, điều đó có nghĩa gia đình phải chờ một thời gian để đoàn tụ. "Nhưng chúng tôi không thể chờ thêm được nữa. Chúng tôi xin giấy phép đặc biệt từ chính quyền để đến Ludhiana", anh nói.
Ông Roddam Venkateshwarlu (thứ hai từ phải sang) cùng con trai và vợ đoàn tụ tại ngôi làng ở Punjab. |
Trong tuần trước, anh đã đến đón bố. Cả nhà đoàn tụ hôm 26/5 khi họ trở về ngôi làng ở Punjab. "Đây là lần đầu tiên bố ở xa chúng tôi như vậy. Ông ấy đã sống bằng việc ăn bánh rotis (loại bánh mì dẹt) trong hai năm qua. Bố tôi xưa nay không quen ăn rotis. Điều đầu tiên mà chúng tôi làm khi đón ông về là nấu một bữa cơm nóng sốt", anh nói.
Huyền Anh (Theo BBC, CBS News)
Post a Comment