Đầu nghệ sĩ Trần Phương có vết sẹo to và dài do bị thương khi học cưỡi ngựa để đóng A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ".
Nghệ sĩ Trần Phương qua đời sáng 26/8 ở Hà Nội, thọ 90 tuổi. Nhiều đồng nghiệp như Trà Giang, Tất Bình... tiếc thương cố nghệ sĩ tài hoa. Diễn viên Trà Giang nói: "Dù biết quy luật cuộc đời, tôi thực sự rất buồn và xin chia sẻ mất mát này với con cháu của anh Trần Phương. Tôi và anh đóng chung nhiều phim. Không chỉ ngưỡng mộ ở tài năng, tôi trân quý anh vì tình cảm dành cho gia đình".
Gần 50 năm sự nghiệp, Trần Phương cống hiến ở cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn. Vai để đời của cố nghệ sĩ là A Phủ trong Vợ chồng A Phủ (1961) - tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Phim do Mai Lộc đạo diễn, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài.
Trần Phương hóa thân A Phủ năm 29 tuổi, thu hút bởi gương mặt điển trai, đôi mắt sáng và nụ cười hiền. Đây cũng là vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của ông. Trước khi đóng phim, ông tìm đọc truyện, ngẫm nghĩ từng câu chữ của nhà văn Tô Hoài. Chưa đủ, ông theo chân đoàn phim lên Bắc Yên, Sơn La, học cách Tô Hoài đi cùng dân Mông để viết tác phẩm, góp nhặt kiến thức, lấy tư liệu đóng phim.
Trong chuyến đi, ông gặp nhà văn Nguyễn Tuân, khi đó đang đi thâm nhập viết tùy bút Sông Đà. Biết Trần Phương đóng vai chính, Nguyễn Tuân hỏi: "Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?". Diễn viên khi đó ngây ngô trả lời A Phủ là thanh niên người Mông bị áp bức rồi vùng lên đấu tranh, theo đúng mô tả trong truyện và kịch bản. Nghe vậy, Nguyễn Tuân cười và nói: "Cậu đếch hiểu gì về A Phủ cả. Cái thằng A Phủ, trước tiên nó cưỡi ngựa rất giỏi, cậu phải biết cưỡi ngựa. Thứ hai là phải biết ghẹo gái. Dân Mông quen nhau là rủ nhau đi suốt cả đêm. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này".
Trần Phương sau đó xin sống cùng gia đình anh hùng Sùng Phái Sinh. Mỗi ngày, ông lên nương làm rẫy, chăn bò, ngựa, đeo gùi nước đi bộ nhiều cây số rồi học ăn ngô, sắn... Nghệ sĩ còn học nói tiếng Mông như bà con. Ông từng nói: "Ngày đó, ai cũng nói tôi giống người Mông hơn cả người Kinh rồi. Mà cũng lạ thay, tôi học nói tiếng Mông rất nhanh và rất có năng khiếu". Nhờ vậy, ông dễ dàng thực hiện những phân cảnh chặt cây, vác củi, chăn bò, chăn ngựa... khi làm công trừ nợ cho nhà thống lý Pá Tra.
Trong phim, có cảnh nhân vật A Phủ cưỡi ngựa phi nhanh trên lưng đồi, sườn núi. Trước khi quay, đoàn phim mua một con ngựa đực, lông màu xám để Trần Phương tập cưỡi. Ngựa của người Mông không có yên cương, chỉ có thừng, mỗi lần trèo lên, ông thường bị ngựa quật xuống. Có lần, nghệ sĩ bị thương nặng, để lại vết sẹo dài và to trên đầu nhưng vẫn quyết không bỏ cuộc. Gần một tháng sau, ông có thể cưỡi ngựa trèo đèo, lội suối như trai bản.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2015, ông nói: "Khi bộ phim hoàn thành, tôi cũng trở thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ khôi không kém chàng trai Mông nào. Từ đó, tôi mới rút được kinh nghiệm, làm nghệ thuật phải sống với đời, từ đó phả vào nghệ thuật, như thế nghệ thuật mới không giả dối".
Khi phim đóng máy, nhiều người lưu luyến giữ lại, không cho ông về dưới xuôi. Níu chân chẳng được, họ luôn miệng nhắc ông phải "Pí lù, pí lù" (trở lại, trở lại). Ngày nghệ sĩ cùng êkíp mang phim lên Hồng Ngài - địa điểm quay phim - chiếu cho đồng bào người Mông xem, những người ở nơi ông từng sống nhờ đi đâu cũng vui vẻ giới thiệu: "Nó là người của bản tao đấy". Nghệ sĩ coi đó là thành công nhất khi hóa thân A Phủ.
59 năm kể từ ngày phim lên sóng, đến nay, nhắc đến Trần Phương, nhiều người vẫn gọi ông là A Phủ. NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét: "Nhân vật A Phủ vẫn là vai diễn sáng giá và khó có ai thể hiện hơn NSND Trần Phương. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, ông là người có tinh thần lao động hết mình, luôn dìu dắt thế hệ diễn viên trẻ với lòng đam mê cháy bỏng".
Trong cuộc gặp gỡ với VnExpress năm 2015, nghệ sĩ nói khi nào ông ra đi, người tiễn không có nhưng người đón rất nhiều. Độc giả Nguyen Nhan viết: "Vậy là êkíp Vợ chồng A Phủ đã ra đi dần. Hôm nay, nơi miền cực lạc, bác Trần Phương chắc được hội ngộ cùng đạo diễn Mai Lộc, nghệ sĩ Đức Hoàn, Trịnh Thịnh... và cùng ôn lại những kỷ niệm về chàng A Phủ, nàng Mị nơi núi rừng Tây Bắc".
Hiểu Nhân
Post a Comment