Trong "Tenet", đạo diễn Christopher Nolan giới thiệu giả thuyết đảo ngược thời gian dựa trên "entropy", định luật thứ hai của Nhiệt động lực học.

Ngày 28/8, bom tấn Tenet - dự án mới nhất của Chistopher Nolan - phát hành tại hệ thống rạp Việt Nam. Tác phẩm xoay quanh một điệp viên không tên thường tự xưng là The Protagonist (nhân vật chính) do John David Washington thủ vai. Sau một bài kiểm tra, anh được tổ chức đa quốc gia bí ẩn mang tên Tenet chiêu mộ nhằm ngăn cản âm mưu xóa xổ nhân loại của ông trùm bán vũ khí người Nga Andrei Sator (Kenneth Branagh đóng).

Trailer Tenet

Christopher Nolan xây dựng giả thuyết "đảo ngược thời gian" trong Tenet. Video: Warner Bros.

Nolan xây dựng kịch bản "đảo ngược thời gian" dựa trên kẽ hở của định luật entropy (sự thoát năng lượng theo cách hỗn loạn) trong Nhiệt động lực học. Nó có thể hiểu theo cách đơn giản rằng khi hai vật thể tiếp xúc với nhau, nhiệt độ có xu hướng truyền tới nơi lạnh hơn, như cốc trà nóng nguội dần khi đặt ngoài không khí. Định luật nói rằng trong một hệ thống kín thì entropy (sự thoát nhiệt) luôn tăng theo thời gian hoặc dừng lại ở ngưỡng nhất định mà không bao giờ giảm đi. Cốc nước không thể nóng trở lại nhờ hút nhiệt từ môi trường, trừ khi có sự thay đổi hoặc tác động từ bên ngoài.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng định luật này không đúng tuyệt đối và luôn tồn tại một sai số nhất định, dù rất nhỏ. Một số thí nghiệm chỉ ra rằng ở một số vật chất đặc biệt, sự thoát năng lượng có thể giảm thay vì tăng. Vật lạnh đặt cách vật nóng sẽ càng trở nên lạnh hơn và ngược lại. Trong phim, tổ chức Tenet và kẻ phản diện Andrei Sator sở hữu thuật toán cùng các vật chất cần thiết để đảo ngược entropy và tua ngược các sự việc đã diễn ra.

Tenet là một ví dụ điển hình cho sở thích "chơi đùa" với thời gian của Chistopher Nolan. Trong quá khứ, hầu hết dự án của đạo diễn 50 tuổi đều lấy cảm hứng từ chủ đề này. Interstellar (2014) giới thiệu giả thuyết thời gian có thể giãn nở, qua câu chuyện nhóm phi hành gia bị mắc kẹt trên hành tinh khác. Ông nhìn thời gian qua các lăng kính của các giả thuyết về chiều không gian, nơi tốc độ thời gian khác biệt so với Trái Đất.

Inception (2010), thời gian ở các tầng giấc mơ cũng khác với thực tại. Năm phút thời gian thực bằng một giờ tại tầng mơ thứ nhất và lâu gấp nhiều lần ở những tầng sâu hơn. Trong Memento (2000) và Insomnia (2002), Nolan đảo lộn thứ tự thời gian, khi trộn lẫn các cảnh thực và hồi ức trong mạch phim. The Prestige (2006) giống một màn ảo thuật về mối liên quan giữa thời gian và không gian, thực tại và ảo ảnh.

Đạo diễn Christopher Nolan (phải) và nam chính John David Washington trên phim trường Tenet. Ảnh: Warner Bros.

Đạo diễn Christopher Nolan (phải) và nam chính John David Washington trên phim trường Tenet. Ảnh: Warner Bros.

Điểm khác biệt giữa các tác phẩm của Nolan với đa phần phim du hành thời gian là sự tỉ mỉ trong xây dựng các giả thuyết khoa học. Nolan mất rất nhiều thời gian để giải thích các sự đảo ngược hay giãn nở thời gian trong TenetInterstellar. Điều này một phần khiến các tác phẩm phức tạp với khán giả, mặt khác khiến phim trở nên hấp dẫn hơn với nhóm fan yêu thích việc tìm hiểu ý đồ của đạo diễn.

Christopher Nolan sử dụng thời gian như một công cụ để xây dựng kịch bản, nhằm đạt những ý đồ về cảm xúc. Ở Interstellar, thời gian là chất xúc tác đẩy câu chuyện về tình yêu, trách nhiệm của con người với gia đình, nhân loại. Tốc độ thời gian khác biệt tạo nghịch cảnh phi hành gia Cooper gặp lại con gái khi cô đã già hơn anh. Hay việc vào khối lập phương Tesseract giúp Cooper có thể tới lại những thời điểm cụ thể trong dòng thời gian, giúp anh nhận ra những sai lầm trong quá khứ.

Trong Inception, Nolan xây dựng nhiều câu chuyện diễn ra song song tại các tầng giấc mơ. Trong đoạn cao trào, từng nhân vật đối mặt với thử thách riêng nhằm đồng bộ hóa các cú nhảy thoát khỏi giấc mơ. Đạo diễn dùng tiếng tích tắc của kim đồng hồ làm nhạc nền Dunkirk (2017) tạo sự kịch tính, với ẩn ý không còn nhiều thời gian cho đoàn binh lính người Anh. Trong The Prestige, ông mượn thời gian để kể câu truyện ganh đua từ hai phía, dưới góc nhìn của hai nhân vật khác nhau.

Thời gian cũng là công cụ hữu hiệu giúp Nolan chơi đùa với suy nghĩ của khán giả. Sự xáo trộn thời gian thường khiến các nhân vật mất nhận thức giữa thực và ảo, về thực tại và quá khứ. Cùng các kỹ thuật cắt dựng phim, người xem đôi khi bị rơi vào những mê cung do đạo diễn thiết lập, khiến họ tự hỏi mạch truyện nào là thật, mạch nào hư ảo.

Điều này khiến phim của Nolan thường tạo ra những cái kết mở. Suốt thập kỷ qua, khán giả vẫn tranh cãi về biểu tượng con quay (vật dụng giúp phân biệt thực và mơ) trong Inception ở cảnh cuối phim. Đạo diễn kết thúc tại hình ảnh nó sắp đổ, tạo hai hướng hiểu rằng điệp viên Cobb đã trở về hiện thực hay toàn bộ câu chuyện chỉ là giấc mơ của anh. Hay ai mới thực sự là hung thủ giết vợ của Leonard trong Memento.

Leonardo với totem con quay trong phim. Ảnh: Warner Bros.

Leonardo với totem con quay trong phim. Ảnh: Warner Bros.

Để bẻ cong thời gian, đạo diễn thường sử dụng lối kể chuyện phi tuyến tính. Ở Memento, Nolan tạo hai mạch phim song song, một theo trình tự quá khứ tới tương lai (hình ảnh đen trắng) và một theo hướng ngược lại (hình ảnh có màu sắc). Trong The Prestige, toàn bộ câu chuyện được kể từ những hồi tưởng của hai nhân vật chính, khi họ đọc được nhật ký của nhau. Nolan cũng kể song song ba câu chuyện ở các thời điểm khác nhau trong Dunkirk.

Sự xáo trộn thời gian góp phần tạo nên các vòng lặp trong mạch truyện, đặc điểm thường thấy trong các tác phẩm của Nolan. Như chi tiết phi hành gia Cooper là bóng ma đã đẩy những cuốn sách tại phòng con gái trong Interstellar hay điệp viên The Protagonist đánh nhau với phiên bản khác của mình tại thời tương lai trong Tenet. Đồng thời, đạo diễn cũng đòi hỏi người xem tự lần theo các mẩu chuyện và sắp xếp chúng theo thứ tự hợp lý.

Các kể chuyện phi tuyến tính trong Memento của Christopher Nolan

Christopher Nolan giải thích cách dựng phim "Memento", tạo hai câu chuyện song song, một theo trình tự quá khứ tới tương lai (hình ảnh đen trắng) và một theo hướng ngược lại (hình ảnh có màu sắc). Video: The Director's Chair.

Thời gian, trong tay Christopher Nolan, như trở thành cây đũa ma thuật giúp ông tạo nên phong cách riêng trong làng điện ảnh. Nó khiến phim của ông ít khi đi vào lối mòn và thường tạo sự bất ngờ, hứng khởi cho người xem. Các tác phẩm cũng truyền cảm hứng về tiềm năng của khoa học trong tương lai có thể giúp con người hiểu rõ hơn về vũ trụ, không gian và thời gian. Giống cách Nolan đối mặt với một số định kiến cổ hủ trong làng điện ảnh, quá đề cao những giá trị xưa cũ và xem nhẹ những công nghệ hình ảnh mới.

Phong cách làm phim của Nolan cũng là chủ đề tranh cãi giữa những người yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy. Nhiều ý kiến chỉ trích ông cố khiến kịch bản phức tạp quá mức cần thiết, coi nhẹ khâu xây dựng nhân vật hay xem thường các nhân vật nữ. Tuy nhiên, khó ai phủ nhận tầm ảnh hưởng của đạo diễn người Anh. Những tác phẩm như Inception, Interstellar được xem là cột mốc quan trọng của làng phim. Dự án mới nhất - Tenet - cũng được đa phần giới chuyên môn kỳ vọng là bom tấn cứu phòng vé trong giai đoạn ảm đạm của dịch.

Đạt Phan

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top