Prof. Jimmy Choo OBE đóng đôi giày đầu tiên vào năm 11 tuổi tặng mẹ, nhiều năm sau vang danh làng mốt với những thiết kế tinh xảo.
Hôm 25/8, nhà thiết kế thu hút chú ý khi đăng video bản thiết kế mới nhất trên Instagram. Ở tuổi 72, ông vẫn đam mê giày cháy bỏng và dành trọn thời gian phác thảo trên bản vẽ. "Phác thảo rất quan trọng, bạn sẽ chuyên nghiệp và sáng tạo hơn nếu lặp đi lặp lại công việc này mỗi ngày", ông nói.
Suốt thời gian dịch, Jimmy Choo chỉ quanh quẩn ở nhà và tự làm mọi thứ như vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, rửa dọn sau khi dùng bữa... NTK cũng chú trọng tập thể dục, chơi bóng bàn, viết lách...
Ngoài ra, ông kêu gọi gia đình, bạn bè và khách hàng của mình... thực hiện giãn cách xã hội, tuân thủ quy định của Chính phủ. Từ căn hộ phong cách giản dị tại Kuala Lumpur (Malaysia), ông vẫn trò chuyện, liên hệ với những người bạn có chung niềm đam mê giày mỗi ngày.
Trong cuộc gọi trực tuyến với đối tác mới đây, NTK thoải mái kể về cuộc sống thời Covid-19 và kế hoạch sắp tới. Ông nói cả cuộc đời gắn với tên Jimmy Choo - thương hiệu thời trang xa xỉ nước Anh, nhưng giờ đây, ông muốn mọi người gọi mình là Prof. Jimmy Choo OBE. "Tôi đã rời Jimmy Choo và không muốn mọi người hiểu lầm. Tôi không muốn cạnh tranh với ai và luôn tự hào về chính mình", ông giải thích.
NTK tên đầy đủ Jimmy Choo Yeang Keat, sinh năm 1948 tại thị trấn George Town, Malaysia. Xuất thân trong gia đình có truyền thống đóng giày, Choo mê mẩn những đôi giày Tây từ khi còn rất nhỏ, nhất là các sản phẩm thủ công do chính cha mình thực hiện.
Theo Vogue, Elle, từ năm 7 tuổi, Choo bắt đầu đến xưởng theo dõi quy trình đóng giày cùng cha và phụ giúp thợ những việc lặt vặt. "Thời ấy chưa có điện thoại, chỉ có tivi. Mỗi ngày sau giờ học, tôi thường xem cha đóng giày và được ông chỉ dạy từng khâu. Ông yêu cầu tôi chú trọng kỹ thuật. Cha là người thầy đầu tiên giúp tôi có nền tảng vững chắc", NTK hồi tưởng.
11 tuổi, Choo mày mò làm những đôi giày tặng mẹ. Khi nhận món quà tinh xảo từ cậu nhóc đang ở tuổi ham chơi, người mẹ hạnh phúc không nói nên lời. Bà trân trọng, đôi lúc không dám mang. "Tiền rất cần thiết nhưng cha mẹ chỉ có một trên đời. Tôi không bán hai đôi giày tặng mẹ năm 11 tuổi. Tôi muốn giữ lại kỷ niệm đầu đời cho bản thân và gia đình", Prof. Jimmy Choo OBE nói.
Khi trưởng thành, Choo không chọn ở lại quê hương kế thừa sản nghiệp gia đình mà đi du học. Tầm nhìn, hoạch định tương lai của cậu vượt khỏi quê nhà. Choo kể lúc ấy khao khát làm những đôi giày tuyệt đẹp, chinh phục phái nữ toàn thế giới chứ không riêng phụ nữ Malaysia. Đầu thập niên 1980, chuyến bay chở thanh niên mê giày cùng ước mơ "vĩ đại" đến Anh.
Giai đoạn 1982-1984, Choo theo học Cao đẳng Cordwainers (hiện thuộc Đại học Thời trang London). Để kiếm tiền trang trải học phí, mua giấy vẽ và màu nước, ông làm thêm ở nhà hàng và nhân viên vệ sinh tại nhà máy đóng giày. Khác biệt văn hóa và thiếu thốn không cản bước Choo. Sau tốt nghiệp, ông đầu quân cho hai công ty thiết kế.
Theo Forbes, năm 1986, bố mẹ Choo vay ngân hàng khoản 6.000 bảng Anh để con trai khởi nghiệp và đến Anh hỗ trợ ông trong hai năm. Chàng trai gốc Á mở một cửa hàng giày nhỏ nằm ở East End, London. Các thành viên gia đình cùng tham gia khâu sản xuất từ đóng gói, bảo quản và chào mời khách vì không đủ tiền thuê nhân lực.
Tamara Mellon - biên tập viên thời trang Vogue - từng kể trên Forbes "cửa hàng của Choo trông rất gớm ghiếc, chật hẹp" nhưng những chiếc Bentley - loại xe đắt đỏ cuối thập niên 1980 - lần lượt đỗ lại. Các quý bà, tiểu thư ngồi xuống thử giày trên những tấm bìa carton. Họ mong đợi được mang những đôi giày tinh xảo trong các bữa tiệc.
Tiếng lành đồn xa, giới thượng lưu tìm đến Choo ngày càng nhiều. Hai năm sau, ông có cơ hội đến với Tuần thời trang London. Ấn tượng với tài năng của Choo, tờ Vogue liên tục đăng bài viết về thiết kế mới của ông, kết nối NTK với giới mộ điệu. Tên tuổi Choo thăng hoa khi được mời đóng giày cho Công nương Diana. Suốt 7 năm, ông thiết kế hàng trăm phụ kiện cho công nương và nhiều thành viên hoàng gia.
Năm 1996, biên tập viên Tamara Mellon thôi việc tại Vogue Anh, lập tức tìm gặp Choo bàn bạc cơ hội làm ăn. Bà vay cha mình 150.000 bảng Anh (tương đương 365.000 USD ngày nay), cùng Choo thành lập công ty Jimmy Choo Ltd. Tầm nhìn của Mellon và tài thiết kế của Choo giúp thương hiệu ngày càng phát triển.
Năm 1998, Jimmy Choo có cửa hàng đầu tiên tại New York. Các nghệ sĩ và tín đồ thời trang yêu thích thiết kế của nhà mốt vì kiểu dáng thanh lịch, nữ tính, phù hợp với mọi phong cách. Tuy nhiên vì bất đồng quan điểm, bộ đôi quyết định dừng lại. Năm 2001, Choo bán 50% cổ phần của mình cho công ty Phoenix Equity Partners với giá 10 triệu bảng Anh. Từ đó, ông tập trung vào thiết kế sản phẩm cao cấp, độc quyền cho thương hiệu Jimmy Choo.
Suốt sự nghiệp, ông giành được nhiều phần thưởng cao quý như: OBE (Huân chương Anh quốc, năm 2002) vì đóng góp lớn cho ngành công nghiệp giày và thời trang Anh. Năm 2004 được trao bằng tiến sĩ danh dự về nghệ thuật của Đại học De Montfort, Leicester, Anh. Năm 2009 Choo nhận học bổng danh dự của Đại học Nghệ thuật London...
Từ sau chia tay thương hiệu Jimmy Choo, NTK tài ba phát triển thương hiệu giày Zhou Yang Jie (tên tiếng Trung của ông). Thiết kế chinh phục giới mộ điệu vì mang đậm triết lý thiết kế của ông từ ngày đầu khởi nghiệp: bền và đẹp. Ông nói yêu màu xanh da trời vì sắc màu này biểu tượng cho sự đơn giản, tốt bụng và tự nhiên.
Hồi tháng 5, ông từng vẽ ốp lưng (case) điện thoại dành riêng cho tín đồ công nghệ Việt Nam. Đa số đánh giá ông sáng tạo khi gắn kết những đôi giày cao gót đặc trưng Jimmy Choo và biểu tượng hoa sen. NTK cho hay hoa sen gắn liền với cuộc sống người Việt, biểu trưng cho sự thuần khiết, quý phái.
Thi Quân
Joolux là sàn giao dịch hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng, nơi cộng đồng đam mê hàng hiệu Việt có thể tham gia ký gửi, mua bán các sản phẩm cùng loạt dịch vụ hỗ trợ như: kiểm định, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu. Người tiêu dùng và độc giả có thể đóng góp ý kiến dưới mỗi bài viết để cùng chia sẻ, kết nối với cộng đồng yêu thích hàng hiệu và thời trang cao cấp. |
Post a Comment