Khi nghệ sĩ Kim Cương hỏi vì sao thời trẻ chọn theo ngành khó như hát bội, Đinh Bằng Phi nói Tổ nghiệp gọi ông theo nghề.

Dịp kỷ niệm 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, triển lãm gần 100 ảnh về nghệ sĩ Đinh Bằng Phi diễn ra tại Hội sân khấu TP HCM. Ngồi xe lăn, phía sau cặp kính dày, ánh mắt nghệ sĩ lão thành rưng rưng nhìn từng bức ảnh cũ, như tấm chụp ông cùng ban hát bội trường Quốc gia Âm nhạc biểu diễn năm 1974, hay tạo hình vai Lưu Bị của ông trong vở Cầu hôn Giang Tả... Ở tuổi 83, sức khỏe Đinh Bằng Phi xuống dốc vì chứng Alzheimer hai năm qua.

Nghệ sĩ Đinh Bằng Phi ngồi xe lăn ở tuổi 83. Ảnh: Mai Nhật.

Nghệ sĩ Đinh Bằng Phi ngồi xe lăn ở tuổi 83. Ảnh: Mai Nhật.

Các đồng nghiệp - dù từng hay chưa qua lớp Đinh Bằng Phi dạy - đều công nhận ông là cánh chim đầu đàn của hát bội. Nghệ sĩ Ca Lê Hồng nói, khi đến với tuồng cổ, bà chịu ơn sự dẫn dắt của hai người - ông Tám Danh, đại thụ của sân khấu cải lương, và nghệ sĩ Đinh Bằng Phi. Kém ông một tuổi nhưng với bà, đàn anh hơn cả cái đầu về sáng tác và dàn dựng. Từ vai trò diễn viên, Đinh Bằng Phi còn viết tuồng, chỉnh lý tác phẩm rồi dần đi sâu vào nghiên cứu. Họ cùng nhau đạo diễn một số vở như Tình bảy núi, Chất ngọc không tan, Phụng Nghi Đình... Trong ký ức của Ca Lê Hồng, ông tài giỏi bao nhiêu thì khiêm tốn bấy nhiêu. Bà nói: "Mỗi lần dựng vở, tôi thường thấy anh ngồi lặng lẽ, ít nói. Ai bàn gì, anh cũng gật đầu tôn trọng, dù với vốn kiến thức bao la, anh thừa sức thuyết phục người khác làm theo ý mình".

Nghệ sĩ Đinh Bằng Phi tự vẽ mặt trong hậu trường. Ảnh: Thanh Hiệp.

Nghệ sĩ Đinh Bằng Phi tự vẽ mặt trong hậu trường. Ảnh: Thanh Hiệp.

Gọi Đinh Bằng Phi bằng "anh Hai", Kim Cương cho biết họ gắn bó từ trước năm 1975 trong ngành sân khấu. Bà vẫn còn nhớ gặp ông lúc thời thanh niên. Khi đó, khuôn mặt ông toát lên vẻ tuấn tú, dáng vóc đậm chất nghệ sĩ khi đi chiếc Vespa xưa. Có lần, bà hỏi: "Anh đẹp trai vậy sao không theo kịch, đi hát bội chi cho uổng?". Ông chỉ cười hiền, đáp: "Tổ nghiệp kêu". Kim Cương cho biết gia đình bà vốn có truyền thống về kịch, nhưng rất nể phục những người theo đuổi hát bội như Đinh Bằng Phi. Ngoài công lao mở đường cho tuồng cổ, với bà, hầu hết nghệ nhân hát bội đều mang nhân cách cao quý. Bà nói: "Trong anh còn là một kho tàng trí thức. Trong hồi ký, ở phần viết về má Năm Nhỏ, một ngôi sao hát bội thời ấy, tôi không có nhiều thông tin về bà, phải nhờ anh Phi tìm tòi, cung cấp những tư liệu quý".

Nghệ sĩ Ngọc Khanh - một trong những học trò đầu tiên của Đinh Bằng Phi từ thập niên 1970 - nói chị chưa từng thấy ai mê hát bội như ông. Mỗi dịp theo đoàn về miền Tây lưu diễn, dù không đóng cảnh nào, ông vẫn nhờ đồng nghiệp vẽ mặt. Đứng trò chuyện với ai, chân ông thường nhịp theo giai điệu tuồng cổ như một thói quen. Một thời, ông làm giảng viên tại trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Dù chỉ dạy về lịch sử và ngôn ngữ hát bội, ông vẫn mời các nghệ nhân vào trường giúp sinh viên hát xướng. Ngoài giờ dạy, cứ rảnh tay, ông ngồi vào bàn viết tuồng. Ngày 28/4/1975, ngoài đường, dù súng đạn vang trời, trong trung tâm học liệu, ông cùng nhóm nghệ sĩ cần mẫn thu âm tài liệu về các điệu hát cổ truyền. Ngọc Khanh nói: "Có vậy mới thấy ông yêu nghề đến mức nào".

Đạo diễn Thanh Hiệp - hậu bối thân cận với ông - cho biết từ những năm học trường Sân khấu Điện ảnh, anh đã tiếp xúc với ông khi viết tham luận. Sau này, khi bắt đầu dựng vở, anh đều được ông chỉ bảo, góp ý trong việc vận dụng vũ đạo hát bội vào tác phẩm. Ông không bao giờ giấu nghề. 11h đêm, khi học trò nhờ, ông vẫn tìm lại tư liệu cho bằng được, sau đó gọi điện cho anh sáng hôm sau sang nhà để tặng. Những giáo trình của ông hiện trở thành tài liệu dạy hàng đầu trong ngành bởi được đúc kết sau nửa thế kỷ theo nghề. Ông đi đầu trong việc dịch các vở Hán - Nôm sang tiếng quốc ngữ, giúp thế hệ sau dễ tiếp thu. Ở tuổi xế chiều, ông luôn trăn trở về đưa hát bội vào trường học để từ đó, thế hệ trẻ chung sức giữ gìn hát bội.

Đinh Bằng Phi bên các con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đinh Bằng Phi bên các con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh nói: "Những năm gần đây, tôi bất ngờ khi ông vẫn đi xe lăn đến các trường học để truyền thụ. Dù trí nhớ sa sút, chỉ cần có người khơi gợi, ông lập tức thao thao bất tuyệt về hát bội". Để hoàn thành tâm nguyện của cha, con trai Đinh Bằng Phi - ông Đinh Thành Tâm, hiệu trưởng THPT Dương Văn Dương, Nhà Bè - lên kế hoạch xây một bảo tàng cá nhân về ông, về lâu dài trở thành nơi người trẻ nuôi nấng tình yêu với hát bội.

Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Bằng Phi sinh năm 1937. Ông tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc gia Sài Gòn (nay là Đại học Sư Phạm TP HCM), dạy các môn văn, sử, địa. Thích tìm hiểu về nghệ thuật hát bội, ông dựng một số trích đoạn hát bội tuồng lịch sử, dã sử cho học sinh. Thời đó, ít người trẻ nào am tường Hán học, cổ văn và biết nhiều điển tích nên từ năm 1969, ông được mời giảng dạy, làm chủ nhiệm lớp Hát bội - trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 1971, ông lập Ban hát bội Đinh Bằng Phi, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ: Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Dung, Xuân Quan... Ban hát nhỏ nhưng diễn khắp các tỉnh thành, gây chú ý với các vở: Giang Tả cầu hôn, Sự tích Trần Huyền Trang, Cánh tay Vương Tá, Trưng Nữ Vương... Từ năm 1977 đến 2003, ông cộng tác với Đoàn Hát bội TP HCM (nay là Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM).

Vóc dáng nho nhã, gương mặt đẹp, ông đảm nhận trên 30 nhân vật vai kép văn, lão văn có tính cách hiền, trung quân, quan văn, vua. Các vai ấn tượng nhất của ông là Tử Trình (vở Sơn Hậu), Tư Đồ (Phụng Nghi Đình), Triệu Khuôn Dẫn (hai vở Trảm Trịnh ÂnLưu Kim Đính), Trần Nhân Tôn (Sát Thát)... Sau Năm Đồ và Thành Tôn, Đinh Bằng Phi là cái tên thứ ba trong làng hát bội nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Hát bội nỗ lực đến gần khán giả

Trích đoạn Trích vở "Sanh vi tướng, tử vi thần" của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM (2019) - nơi Đinh Bằng Phi từng giữ chức Phó đoàn. Video: Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM.

Mai Nhật

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top