Đạo diễn Lan Nguyên ghi lại hình ảnh mộc mạc của "gã du ca" Trần Tiến trong phim "Màu cỏ úa".

Phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt

Trailer "Màu cỏ úa" - phim tài liệu về Trần Tiến. Video: Silver Moonlight.

Đạo diễn Lan Nguyên là người dẫn truyện trong Màu cỏ úa - phim thuộc thể loại tài liệu âm nhạc có độ dài 80 phút. Qua lời tự sự của cô, chân dung "gã du ca" nổi tiếng số một Việt Nam hiện ra. Nhạc sĩ Trần Tiến chào Lan Nguyên, "chào ống kính", rồi mở lời về trải nghiệm một đời người của mình.

Nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm 1947, là một trong những ca sĩ nổi bật nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Đối với Trần Tiến, con người không lớn lên "từ bão tố, trong chiến tranh, mà lớn lên trong chính nỗi cô đơn". Âm nhạc của ông vì thế cũng là lời bộc bạch của một con người độc hành qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Poster Màu cỏ úa. Ảnh: Silver Moonlight.

Poster "Màu cỏ úa". Ảnh: Silver Moonlight.

Ca khúc của Trần Tiến chỉ cần vài nốt nhạc cất lên, mọi người đã có thể hòa giọng như Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én, Điệp khúc tình yêu, Chị tôi... Những chuyến du ca của ông đã trở thành ký ức của biết bao thế hệ thanh niên. Trần Tiến giờ đây đã dừng những bước chân lãng du và tận hưởng những năm tháng tuổi già tại thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp, nhưng những hành trình ông đi qua và để lại dấu ấn trong cuộc đời này xứng đáng được lưu giữ lại cho các thế hệ mai sau.

Phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt

Trần Tiến biểu diễn ngẫu hứng bài "Chị tôi". Video: Phương Nam Phim.

Bộ phim có bối cảnh ở nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng..., đều là địa danh đã in dấu chân du ca của Trần Tiến. Xuyên suốt bộ phim là những lời tự sự về chiến tranh, về Hà Nội và về biển - ba chất liệu ảnh hưởng đến con người Trần Tiến và âm nhạc của ông. Màu cỏ úa cũng cho thấy sự ảnh hưởng của Trần Tiến đối với gia đình, bạn bè, đồng đội và đối với những người nghệ sĩ trẻ. Trong phim còn có sự xuất hiện của Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà, nhạc sĩ Dương Thụ, diễn viên Hồng Ánh...

Tình yêu Hà Nội là mối duyên khiến Lan Nguyên làm phim về Trần Tiến. Trailer phim mở đầu bằng lời của Trần Thu Hà - cháu gái nhạc sĩ Trần Tiến: "Hà Nội của tôi và của chú Tiến là những ám ảnh dai dẳng. Ký ức về mẹ, về gia đình, về bạn bè cũ, về những câu chuyện ngốc nghếch của tuổi trẻ. Vì ngốc nghếch, không trọn vẹn, nên mãi còn đó". Để thực hiện Màu cỏ úa, Lan Nguyễn cùng những người bạn của mình đã thực hiện bộ phim với hơn 15 đợt quay trong suốt 5 năm. Nhưng "thử thách" lớn nhất của Lan Nguyên không phải khoảng cách hay thời gian, mà ở chính nhân vật.

Phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến

Lan Nguyên hát "Tạm biệt chim én". Video: Lan Nguyên.

Những ai từng tiếp xúc với nghệ sĩ Trần Tiến đều biết ông là một "ngọn gió tự do", không thể bắt dừng chân, không thể cố nhét ông vào một khung hình tù túng. Ban đầu, Trần Tiến từ chối cho đạo diễn Lan Nguyên làm phim về ông. Nhưng sau một cuộc nói chuyện dài, biết cô từng hát bài Tạm biệt chim én mà ông rất thích, Trần Tiến đã thay đổi ý kiến. Theo Trần Tiến, phiên bản do Lan Nguyên thể hiện là "ngây thơ, trong trẻo nhất". Ông nói: "Nếu hát được nhạc của chú thế này, thì chắc là làm phim được".

Đạo diễn Lan Nguyên sinh năm 1990 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp Á khoa Đại học Kiến trúc TP. HCM. Trước khi làm phim, Lan Nguyên là phóng viên, biên tập viên truyền hình. Cô từng đi khắp đất nước, làm nhiều phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, ẩm thực, bản sắc và con người Việt Nam. Đây là khoảng thời gian Lan Nguyên thu nhặt về cho mình vô số câu chuyện từ những con người bình dị nhất.

Phúc Nguyễn

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top