Hàng loạt trường đại học dân lập đào tạo ngành y chỉ lấy điểm đầu vào là 13,14 điểm đang khiến những giáo sư, tiến sỹ ngành y đau đớn và lo lắng tột độ.

13,14 điểm ung dung làm… bác sỹ

Theo tin tức mới nhất , dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiên quyết khẳng định việc cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở 2 mã ngành y dược là đúng, nhưng điều này không ngăn được làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội.

Tuy nhiên, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là trường dân lập đầu tiên được phép đào tạo y khoa. Trước đó, hàng loạt các trường đại học ngoài công lập đã được phép đào tạo ngành y, dược. Điểm đầu vào của các trường này khiến người ta giật mình thon thót.

Trong khi các trường y khoa có tiếng, với truyền thống tới trăm tuổi lấy mức điểm chuẩn đầu vào chót vót. Những thí sinh mỗi môn được 9 điểm vẫn chưa dám mơ bước chân vào cánh cổng trường ĐH Y Hà Nội. Thì những trường ngoài công lập, đào tạo y khoa chỉ lấy 13,14 điểm, bằng với mức điểm sàn.

Được biết, hiện nay, cả nước có tới hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ... 35 trường cao đẳng y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ... cùng 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau đại học.

sinh-vienSinh viên y khoa tri ân người hiến xác.

Điển hình của việc lấy điểm đầu vào trong mùa tuyển sinh năm nay là trường ĐH Lạc Hồng. Ngành Dược sĩ đại học có điểm đầu vào khối A 14 điểm, khối B 15 điểm.

ĐH Thăng Long năm 2015 cũng tuyển ngành Điều dưỡng, y tế công cộng với mức điểm trúng tuyển từ 15 - 16 điểm.

Ngành dược học Trường ĐH Nam Cần Thơ trong mùa tuyển sinh trước cũng tuyển ngành Dược học với mức điểm: khối A từ 13 điểm, hệ CĐ tuyển ở mức 10 điểm.

ĐH Đại Nam tuyến sinh khóa đầu tiên năm 2013-2014 cũng chỉ lấy điểm đầu vào là 15 với chuyên ngành dược sỹ đại học.

Mức điểm chênh lệch quá lớn giữa trường ĐH dân lập với các trường công lập khiến các giáo sư, tiến sỹ ngành y vô cùng lo lắng.

Quyết định… "thái quá"

Trao đổi với PV, TS, BS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình- Bênh viện TW Quân đội 108 cho biết: "Bộ Giáo dục cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y là quyết định "thái quá".

Với các ngành nghề khác thì tôi nghĩ trường đại học dân lập đa ngành có thể đào tạo được nhưng riêng ngành y, tôi cho rằng không thể cấp phép đào tạo dễ dàng như vậy được. Bộ Giáo dục chưa hiểu được đặc thù của ngành y khi đưa ra quyết định này".

Vị tiến sỹ cũng cho rằng, để đào tạo được ngành y phải mất 7 năm. Tại trường đào tạo chuyên ngành y khoa cần có nhiều điều kiện mà một trường thông thường không thể đào tạo được. Đào tạo khoa học cơ bản thì có thể, nhưng đào tạo y học cơ sở thì không hề đơn giản.

Trường không thể gửi sinh viên tới các trường khác đào tạo hộ được. Hoặc đơn cử như đào tạo bộ môn giải phẫu. Ngoài thời gian đào tạo lâu thì còn đòi hỏi về cơ sở vật chất như phòng xác… còn cần đội ngũ giáo viên kinh nghiệm v.v.

Vì thế, nếu chỉ có khối nhà đẹp cùng một số vị bác sỹ, giáo sư nhận làm cộng tác thì không thể có hiệu quả.

"Các trường như y khoa Hà Nội, y khoa TP HCM đã nổi tiếng từ lâu rồi. Ngay cả những bác sỹ ra trường từ các trường y công lập khác cũng không dễ được thu nhận vào các bệnh viện uy tín. Sinh viên ra trường cũng còn phải học thêm rất lâu nữa mới đứng ra để kê đơn, mổ xẻ…

Ngành y là biển học vô bờ, học cả đời nên nó chỉ phù hợp với những người quyết tâm theo đuổi ngành y thôi. Nói thực, rất nhiều người đã phải bỏ cuộc", TS Thọ chia sẻ.

Với những người theo đuổi ngành y một cách nghiêm túc và có tâm với nghề, không thể chấp nhận một lớp bác sỹ được đào tạo hời hợt, trình độ non kém. Bởi nó ảnh hưởng tới mạng sống, sức khỏe của nhân dân.

Nói về việc các trường dân lập lấy đầu vào ngành y chỉ 13,14 điểm, TS. Thọ vô cùng bức xúc: "Không phải ngẫu nhiên các trường y uy tín lấy điểm chuẩn cao tới 28,29 điểm. Họ lấy cao như vậy xuất phát từ yêu cầu thực tế.

Những trường chỉ lấy 13,14 điểm để rồi sau này ra trường, sinh viên cũng được tiếng là bác sỹ là việc làm rất nguy hiểm. Đầu vào đã không chuẩn đầu ra lại không chuẩn nữa thì thử hỏi những bác sỹ này khi vào các cơ sở làm việc thì có làm tốt được không?

Liệu bệnh nhân có dám giao phó bản thân mình cho các bác sỹ ấy chữa bệnh không? Tôi cho rằng, Bộ giáo dục cần cân nhắc rất kỹ khi quyết định cho các trường đa ngành đào tạo y khoa", TS. Nguyễn Huy Thọ nói.

Trong một trao đổi khác với PV, một giáo sư, thầy thuốc nhân dân cũng vô cùng lo lắng khi Bộ giáo dục để hàng loạt trường ĐH dân lập đào tạo ngành y với đầu vào rất thấp.

"Họ lấy điểm đầu vào trên điểm sàn là do yêu cầu chứ cho họ tự do tuyển đầu vào thì có khi thí sinh được điểm thấp hơn họ cũng lấy. Cái họ quan tâm là kinh phí đào tạo mà thôi", vị này ngán ngẩm.

 

Post a Comment

 
Top