Vì sự thiếu ý thức của một bộ phận các bạn trẻ tự nhận là dân phượt, nhiều người dân địa phương đã không khỏi bức xúc lên tiếng chỉ trích.
Phượt là khái niệm không còn quá xa lạ đối với phần đông giới trẻ Việt. Hàng năm, có tới hàng trăm bạn trẻ tập hợp, tự thành lập các nhóm phượt nhỏ để đi khám phá các miền đất trên khắp tổ quốc.
Mộc Châu với những cánh đồng hoa cải trắng hay Hà Giang với những cánh đồng hoa tam giác mạch bát ngát trở thành địa chỉ yêu thích quen thuộc của phượt thủ cứ mỗi độ mùa hoa tới.
Họ tới đây để ngắm hoa, ghi lại những khoảnh khắc bình yên và giản dị của phong cảnh, con người nơi đây. Thế nhưng, nào phải ai cũng có ý thức, biết gìn giữ cảnh đẹp và môi trường của miền đất ấy.
Nhiều bạn trẻ tự nhận là dân phượt đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân địa phương mỗi khi họ phóng xe đi qua. Những nam thanh nữ tú chẳng ngần ngại giẫm, nằm lên hoa hay thậm chí là hái hoa, bẻ cành chỉ để chụp vài tấm ảnh chân dung sao cho đẹp.
Từng nhóm, từng nhóm phượt đi qua để lại rác, để lại những cánh đồng hoa nát và cả những âm thanh huyên náo khiến người dân địa phương không khỏi ngao ngán, lắc đầu.
Cách đây không lâu, vì quá bức xúc với hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận bạn trẻ khi lên Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch, một cô gái địa phương đã viết bức thư với tiêu đề: "Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy?".
"Hà Giang mình toàn đá, toàn rừng già, toàn hoa cỏ dại lấy đâu ra sơn hào hải vị, lấy đâu ra chăn ấm đệm êm, điều hòa, nóng lạnh khi những đứa trẻ vẫn thiếu cái quần, cái áo và thiếu thốn đủ điều.
Các bạn lên Hà Giang như lên theo phong trào cho vui vậy, chứ đâu phải là trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống nghèo khổ và thời tiết khắc nghiệt ở nơi đây.
Các bạn chán chúng tôi, không hài lòng với chúng tôi? "Chắc gì chúng tôi đã hài lòng với các bạn"
Dân phượt - chúng tôi gọi các bạn như vậy và các bạn cũng coi mình như vậy, nhưng các bạn có phải là dân phượt thật sự chưa???
Các bạn có tự mang đồ ăn để nấu, ngủ trong rừng hay ven đường, sống cảnh thiếu thốn thực sự chưa mà tự cho mình là dân phượt?
Các bạn đi mà phải nói là "lao đi" mới đúng, như những con ngựa hoang chưa được thuần hóa, khiến nhiều lúc mình ngồi trong nhà còn giật mình huống hồ người đi đường.
Đường Hà Giang quanh co toàn cua gấp khúc mà các bạn cứ phi như đường đi về phía chân trời .. thì mình cũng ạ các bạn luôn.
Các bạn đi đến đâu hoa chết đến đấy, giẫm lên hoa, nằm lên hoa, ngủ trên hoa chắc cảm giác này phải phiêu lắm các bạn mới làm như thế được.
Các bạn có bao giờ nghĩ đến người dân nơi đây khổ sở vất vả như thế nào mới trồng được những bông hoa như vậy không (mình chỉ nói 1 số bạn không có ý thức thôi nhé).
Các bạn bảo đồ ăn ở vùng cao đắt .. vâng, xin thưa với các bạn vì là vùng cao nên nó đắt thật, cái thời tiết khắc nghiệt như vậy lấy đâu rau cỏ , thịt thà gà dân làng tự nuôi để cung cấp vậy?
Tất cả mọi thứ đều được vận chuyển từ xuôi lên qua những cái con đường quanh co đó mới đến được nơi đây để phục vụ các bạn đó thưa các thượng đế thế nên các thượng đế đừng so sánh giữa miền xuôi và miền ngược nữa nhé!!
Xin các bạn đừng vứt rác bừa bãi đi đến đâu cũng vứt la liệt nhìn mà thấy khiếp {...}."
Cuối thư cô gái Hà Giang vẫn chào đón du khách đến với Hà Giang để trải nghiệm và thấu hiểu hơn nữa con người, cũng như cuộc sống nơi đây.
Cũng giống như những gì cô gái Hà Giang đã bày tỏ và chia sẻ cảm xúc trước cách hành xử thiếu ý thức của các bạn trẻ, một người dân Mộc Châu cũng đã thẳng thắn lên tiếng.
Và từng dòng thư, từng tiếng thở dài sau mỗi câu từ của người dân địa phương khiến dân phượt chân chính không khỏi ngại ngùng.
Là một người đã gắn bó với đồ chè từ khi mới sinh ra, người dân coi những búp chè là cơm, là gạo, là thịt để cả nhà dựa vào để duy trì cuộc sống. Hàng ngày họ phải dậy từ sớm để làm việc, để vun xới chăm sóc từng cây chè.
Họ vui mừng khi những đồi chè xanh ngát của mình được du khách quan tâm và tới thăm, nhưng những hành động lăn lê, bò hay thậm chí là nằm lên những cây chè đang sắp tới ngày thu hoạch của du khách khiến họ không khỏi xót xa.
"Con tôi chỉ mới 7 tuổi thôi, nó phải co ro rét mướt để làm việc mà các vị còn cố bắt nó đừng vội mặc quần áo vào để các vị chụp ảnh, các vị đã bao giờ ngã xuống hồ giữa mùa đông lạnh chưa?
Thế thì làm sao các vị hiểu được con tôi rét thế nào? Nó làm thế cũng chỉ vì mấy cái kẹo của các vị đấy, hay chăng cũng chỉ là lời đề nghị vô vị của các vị.
Các vị đã bao giờ bị một ai đó ném vào mặt mình một đống rác và bắt mình phải thu dọn đống rác đó chưa???
Nếu rồi thì cảm giác của các vị như thế nào? Chúng tôi đi làm cày kéo kiếm tiền từ những đồi chè. Chúng tôi không hề kêu ca, phàn nàn về việc các vị thăm quan, chụp ảnh tại vườn chè.
Các vị đã được đặc ân đó thế nhưng các vị lại làm càn, ném cho chúng tôi những nỗi bực mình không tên, nào là nằm trên hàng chè, nhao nhao chạy nhảy lung tung trong đồi chè.
Và điều kinh khủng nhất là các vị sẵn sàng ném những thứ đáng lẽ nó là trách nhiệm của các vị phải bỏ nó vào đúng nơi quy định thì các vị lại ném nó xuống đồi chè, đó là rác...
Hành động của quý vị có khác nào việc ném thẳng vào mặt người khác một đống rác và bắt người khác thu dọn? Chúng ta nên suy nghĩ như thế nào về việc này? Lỗi tại chúng tôi sao?
Khăn ướt, khăn giấy, vỏ kẹo, bim bim, áo mưa ... chúng tôi không cần những thứ đó, xin hãy thu dọn dùm chúng tôi khi các vị dùng xong.
{...} Các vị biết không? Chúng tôi gồng mình trồng những vườn cải long lanh thì các vị vô tâm giẫm đạp, chúng tôi trồng những vườn mận, vườn đào trĩu quả thì các vị vô ý leo trèo, vặt bứt.
Những khóm hoa dã quỳ dại vô chủ, vô gia thật đấy nhưng chúng cũng là sinh linh, cũng cần toả sắc, quý vị hái chúng đi rồi để nhìn thấy sự héo tàn của chúng sao??? Chỉ vài ngày toả sắc cũng không được!!! Có nên không?...
Các vị yêu Mộc Châu, quý Mộc Châu hay đơn giản là có chút cảm tình với Mộc Châu, xin hãy trân trọng Mộc Châu bằng những hành động đẹp.
Chúng ta nên xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự, chứ đừng xây dựng một xã hội đèn đỏ không đi thì là kẻ lập dị.
Từ cá nhân, xin hãy chung tay cho môi trường sống", những chia sẻ của một người dân Mộc Châu.
Hy vọng nhiều bạn trẻ sau khi đọc những dòng chia sẻ chân tình của người dân địa phương thì sẽ tự dằn lòng mình cư xử sao cho thật văn minh, lịch sự ở bất cứ vùng đất nào mình đi qua.
Post a Comment