Trung QuốcPhục sức đội đầu đính gần 400 viên ngọc của công chúa Lý Thùy thời Đường tái hiện cuộc sống xa hoa của hoàng tộc.
Theo Sohu, ngày 28/4, Bảo tàng khảo cổ Thiểm Tây - bảo tàng chuyên về khảo cổ học đầu tiên ở Trung Quốc - mở cửa đón khách, triển lãm nhiều món đồ lịch sử lâu đời. Trong đó có chiếc mũ tinh xảo của công chúa Lý Thùy, sống cách đây hơn 1.200 năm.
Lý Thùy (711-736), tự Thục Nhàn, là cháu chắt đời thứ năm của Đường Cao Tổ - hoàng đế khai quốc thời Đường. Công chúa qua đời vì bệnh tật năm 25 tuổi, được cho vì sinh khó. Các nhà khảo cổ tỉnh Thiểm Tây phát hiện mộ phần Lý Thùy năm 2001, trong quần thể hơn 180 ngôi mộ. Dương Quân Xương - người phụ trách dự án bảo vệ, phục chế mộ phần Lý Thùy - cho biết khi khai quật, ngôi mộ công chúa Lý Thùy gây kinh ngạc nhất vì quy mô lớn, đẳng cấp cao nhất.
Theo Dương Quân Xương, chiếc mũ của công chúa, dù bị thời gian bào mòn, vẫn làm giới chuyên môn choáng ngợp đến nín thở vì sự hoa lệ, tinh xảo. Phục sức được làm từ nhiều loại ngọc, kim loại như ngọc lam, hổ phách, ngọc trai, hồng ngọc, thủy tinh, vỏ sò, mã não và vàng, bạc, đồng. Mũ nặng gần một kg, cao 42 cm, chỉ được công chúa đội ở các sự kiện trọng đại.
Mũ của Lý Thùy hội tụ những thủ pháp chế tác kim hoàn đỉnh cao thời Đường, trong đó có đúc, rèn, mạ vàng... Một số thủ pháp từ nước ngoài lưu truyền vào Trung Quốc theo Con Đường Tơ Lụa, hiện thất truyền. Chiếc mũ mang phong cách Tây Vực khi sử dụng lượng lớn ngọc lam.
Các chuyên gia Trung Quốc và hơn 10 chuyên gia Đức mất vài năm phục chế chiếc mũ. Đây là mũ quan đời Đường đầu tiên được tái hiện. Ngoài phục sức này, nhiều đồ dùng khác được chôn cất cùng Lý Thùy, từ đồ vàng bạc đồng tới đồ gốm sứ, ngọc, sắt, chì.
Nghinh Xuân (theo Sohu)
Post a Comment