Trung Quốc"Động Bàn Tơ", phim đầu tiên chuyển thể tiểu thuyết "Tây du ký", từng bị cấm chiếu vì "khêu gợi".

Động Bàn Tơ ra đời thập niên 1920 tại Thượng Hải, ở kỷ nguyên phim câm, tác phẩm đến nay tròn 95 tuổi. Theo Thepaper, giới chuyên môn nhận định đây là phim đầu tiên chuyển thể tiểu thuyết thần thoại của Ngô Thừa Ân, còn được gọi với tên Tây du ký 1927.

Phim 'Tây du ký' 1927 - bom tấn từng bị cấm chiếu

Cảnh phim "Tây du ký" 1927. Video: Shanghai Yingxi

Tác phẩm gây xôn xao khi phát hành đồng thời là phim đầu tiên của Trung Quốc ra rạp Na Uy. Đạo diễn là Đản Đỗ Vũ còn nữ chính do Ân Minh Châu - vợ Đản Đỗ Vũ - đảm nhiệm. Các diễn viên khác gồm Ngô Văn Siêu (vai Tôn Ngộ Không), Tưởng Mai Khang (Đường Tam Tạng), Chu Hồng Tuyền (Trư Bát Giới), Chiêm Gia Lợi (Sa Tăng)...

Phim cải biên hồi 72 của tiểu thuyết, xoay quanh việc Đường Tam Tạng bị các yêu nhền nhện bủa vây, lừa vào Động Bàn Tơ, bị ép thành thân với động chủ xinh đẹp. Nhờ nội dung hấp dẫn, hình thức đẹp, Tây du ký 1927 đạt doanh thu lớn, giúp vợ chồng Đản Đỗ Vũ - Ân Minh Châu nhận về khoản thù lao 50.000 nhân dân tệ. Bấy giờ, một gia đình năm người bình thường ở Thượng Hải chi khoảng 30 tệ một tháng. Đôi vợ chồng dùng số tiền này mua trang thiết bị làm phim, sắm ôtô.

Đoạn Ân Minh Châu cởi áo từng bị cho không hợp thuần phong mỹ tục. Ảnh: HK01

Cảnh Đoạn Ân Minh Châu cởi áo từng bị cho không hợp thuần phong mỹ tục. Ảnh: HK01

Sau đó, năm 1929, Đản Đỗ Vũ quay phần tiếp của tác phẩm. Tới 1930, cả hai phần phim bị cấm chiếu vì "diễn viên mặc táo bạo". Một số cảnh yêu tinh quyến rũ Đường Tăng bị cho là "bại hoại thuần phong mỹ tục".

Tác phẩm thất truyền ở Trung Quốc. Giới nghiên cứu chỉ có thể tìm hiểu bộ phim qua báo chí, hình ảnh. Tới năm 2012, Tina Anckarman - nhân viên làm việc ở Thư viện quốc gia Na Uy - phát hiện bản sao của Tây du ký 1927. Hai năm sau, tác phẩm được phục chế, phía Na Uy tặng bản sao cho Bảo tàng Tư liệu điện ảnh Trung Quốc. Bấy giờ, giới nghiên cứu điện ảnh ngỡ ngàng, phấn khích khi bộ phim câm tưởng chừng thất truyền được chiếu lại ở các rạp, liên hoan phim...

Đường Tăng và các yêu tinh nhện. Ảnh: HK01

Đường Tăng và các yêu tinh nhện. Ảnh: HK01

Tây du ký 1927 được coi là bảo vật, tư liệu quan trọng của điện ảnh Trung Quốc. Thang Duy Kiệt - phó giáo sư viện Nhân văn học của Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết bộ phim thuộc hàng "bom tấn" thập niên 1920, đánh dấu những đột phá trong sử dụng kỹ xảo, hiệu ứng mỹ thuật. Sau 95 năm, tạo hình nhân vật không lỗi thời. Bấy giờ, nữ chính Ân Minh Châu là người phụ nữ thời thượng nức tiếng Bến Thượng Hải.

Thập niên 1930, vợ chồng Đản Đỗ Vũ - Ân Minh Châu sang Hong Kong làm phim, sinh sống, họ có năm người con, gồm bốn gái một trai. Đạo diễn qua đời năm 1972 vì bệnh ung thư, nữ diễn viên mất năm 1989.

Con gái họ - Judy Dan - kế nghiệp mẹ. Bà từng đoạt quán quân cuộc thi Hoa hậu Hong Kong năm 1952, sau đó tham gia cuộc thi Miss Universe lần đầu tiên trong lịch sử, giành ngôi vị á hậu 3. Judy Dan hiện sống ở Mỹ.

Nghinh Xuân

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top