TP HCMNhạc sĩ Phan Hồng Sơn - cha đẻ "Nhịp cầu âm nhạc", chương trình vang bóng một thời - qua đời ở tuổi 66, chiều 22/4.
Phan Hồng Quang - con trai thứ của cố nhạc sĩ - cho biết cha anh qua đời sau một năm điều trị ung thư phổi. "Cuối đời, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn dồn tâm huyết sáng tác cho Hội âm nhạc TP HCM - nơi ông từng làm phó chủ tịch", Hồng Quang nói.
Hiện Hồng Quang và cùng mẹ và anh trai - nhạc sĩ Phan Hồng Đăng - lo liệu hậu sự cho cha tại nhà riêng ở quận Tân Bình. Lễ viếng diễn ra từ sáng 23/4, lễ động quan vào ngày 26/4, linh cữu được an táng tại nghĩa trang Củ Chi.
Nhiều đồng nghiệp, hậu bối trong làng nhạc thương xót cố nghệ sĩ. Nhạc sĩ Hoài An viết trên trang cá nhân: "Anh ra đi bất ngờ quá. Em sẽ nhớ những ngày đầu của Nhịp cầu âm nhạc, được làm việc cùng anh và nhạc sĩ Nguyễn Nam (trưởng ban ca nhạc HTV lúc bấy giờ) gần 20 năm trước. Thanh thản anh nhé".
Quỳnh Hoa khắc ghi quãng thời gian đầu thập niên 2000, khi làm MC Nhịp cầu âm nhạc của Đài truyền hình TP HCM. Sự kiện khi ấy là một trong những show được mong chờ nhất của làng giải trí mỗi tháng, trở thành bệ phóng tên tuổi cho loạt ca sĩ. Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn - một trong những người khởi xướng chương trình - cho phép chị tự viết kịch bản, chuẩn bị nội dung mỗi lần phát sóng trực tiếp.
Có lần, chị để ca sĩ hát thêm một bài theo yêu cầu khán giả ở Nhà hát Bến Thành (quận 1). Sau đó, Quỳnh Hoa bị nhạc sĩ nhắc nhở vì quá thời gian, làm ảnh hưởng đến các chương trình phát sau đó. "Tôi nhớ mãi lần đó như một kinh nghiệm để khi làm MC phải biết kiểm soát sân khấu, thời lượng chương trình sao cho tốt nhất. Từ đó, tôi tự tin hơn với những lần dẫn chương trình truyền hình trực tiếp", MC cho biết.
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Phan Hồng Sơn sinh năm 1956, tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện TP HCM. Năm 1980-1984, ông là cán bộ phong trào văn hóa quần chúng Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM (cũ). Năm 1988-1996, ông sang Liên Xô làm việc, sau đó trở về công tác tại Ban biên tập Xí nghiệp Băng nhạc Sài Gòn Audio, Sở Văn hóa - Thông tin. Sau đó, ông chuyển sang Đài truyền hình TP HCM, giữ chức trưởng ban ca nhạc đến lúc nghỉ hưu.
Ông viết nhiều ca khúc phổ biến trên đài phát thanh, truyền hình và hội diễn quần chúng như: Tiếng sáo bên đình, Ông tôi, Tháng giêng hò hẹn, Tiếng đàn, Bà vẫn ngồi như thế, Khánh Hội và em... Nhạc sĩ ghi dấu với những ca khúc mang giai điệu trữ tình, sâu lắng. Sinh thời, ông cho biết tâm đắc nhất nhạc phẩm Chuyện một cô giáo viết tặng vợ - bà Nguyễn Thị Khánh Lan, cựu giáo viên văn của trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM.
Tam Kỳ
Post a Comment