Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ diễn lần cuối 10 vở kịch nổi tiếng, trước khi chuyển sang chỉ diễn 1-2 vở mới theo mùa để đỡ bù lỗ.

Đạo diễn Công Hiển - đại diện sân khấu Hoàng Thái Thanh - cho biết từ đầu tháng 5, sàn diễn này lên kế hoạch diễn lại lần cuối 10 vở cũ. Các vở được chọn là tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của sân khấu, như Bông hồng cài áo, Nửa đời ngơ ngác, Sông dài, Hãy khóc đi em, 29 anh về, Nửa đời hương phấn, Con ma nhà họ Hứa... Theo đại diện, chương trình như một lời tri ân với khán giả. Từ tháng 8, sân khấu chia tay toàn bộ vở cũ, đổi qua hình thức chỉ diễn 1-2 vở mới trong khoảng 5 tháng.

Đạo diễn Ái Như - đồng sáng lập sân khấu Hoàng Thái Thanh - luôn đau đáu để

Đạo diễn Ái Như - đồng sáng lập Hoàng Thái Thanh - luôn đau đáu để sân khấu tồn tại. Ảnh: Hoàng Thái Thanh

Đạo diễn cho biết việc thay đổi nhằm hợp xu thế thị hiếu của khán giả sau hai năm dịch. Trước đây, sân khấu diễn luân chuyển các vở theo từng tuần, mỗi tháng diễn khoảng 10 vở cũ lẫn mới. Gần đây, số đông khán giả không còn thói quen nhanh chóng đến xem vở mới như trước đây, mà chờ đến suất phù hợp. Số người xem vở mới ít dần khiến chi phí bù lỗ tăng.

Lịch diễn của nghệ sĩ và sân khấu đôi khi khó dung hòa vì nhiều diễn viên bận việc riêng. Việc điều chỉnh hướng hoạt động giúp các nghệ sĩ linh hoạt về thời gian hơn. Ngoài ra, với 53 tác phẩm từng công diễn, kho bãi của sân khấu không còn kiểm soát được số lượng cảnh trí vì quá nhiều. "Chúng tôi buộc phải thay đổi", Công Hiển nói. Sân khấu vẫn duy trì lịch diễn hai ngày cuối tuần. Hoàng Thái Thanh vẫn diễn các vở cũ theo hợp đồng nếu có đối tác đặt hàng.

Trích đoạn Hồng Ánh trong 'Nửa đời ngơ ngác'

Hồng Ánh trong trích đoạn "Nửa đời ngơ ngác" do Ái Như đạo diễn. Video: Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Đạo diễn thừa nhận hướng đi mới là phép thử liều lĩnh, bởi các vở mới có thể không tạo hiệu ứng như kỳ vọng. "Nhưng chúng tôi không muốn sân khấu chết trong im lặng. Nếu vở mới không gây được tiếng vang, các nghệ sĩ sẽ nhìn vào thực tế để tiếp tục thay đổi", anh nói.

Hai năm qua, giới kịch nói - bao gồm Hoàng Thái Thanh - bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Năm ngoái, sân khấu này chỉ hoạt động vài tháng rồi "đóng băng" đến đầu năm nay. Đạo diễn Ái Như - đồng sáng lập sân khấu - từng cho biết hiếm tác phẩm nào ở Hoàng Thái Thanh có lãi, đa số chỉ hòa vốn. Ban giám đốc sân khấu thường bù lỗ để sàn diễn tồn tại. Do tiền bán vé dùng để đầu tư vở mới, nhiều lần gia đình chị và Thành Hội phải trích tiền túi trả lương cho diễn viên. Chị từng lo sân khấu rơi vào cảnh phá sản vì không gồng gánh nổi chi phí.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh ra đời năm 2009, do đôi nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội thành lập. Các tác phẩm họ diễn mang chất triết lý nhẹ nhàng, nhân văn lẫn hài hước, bám sát hơi thở đời sống. Ban đầu, điểm diễn ở Nhà thiếu nhi quận 3, sau đó chuyển về Nhà thiếu nhi quận 10. Suốt 10 năm, sân khấu diễn hơn 50 tác phẩm như Nửa đời ngơ ngác, Tục lụy, Bao giờ sông cạn, Bông hồng cài áo, Vườn nho đắng, Con ma nhà họ Hứa, 29 anh về... Trong đó, nhiều vở diễn đạt hàng trăm suất. Từ sân khấu, nhiều diễn viên khẳng định thêm tên tuổi trong lòng khán giả yêu kịch, như Hồng Ánh, Trí Quang, Quý Bình, Hoàng Vân Anh, Đoàn Minh Tài, Ngọc Duyên, Quốc Thịnh, Thái Quốc... Hồi tháng 2/2020, sân khấu tổ chức chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập mang tên Một thập kỷ yêu thương.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh do thầy trò Thành Hội - Ái Như lèo lái. Ảnh: Hoàng Thái Thanh

Đôi thầy trò Thành Hội (phải) - Ái Như trong một suất diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Công Hiển

12 năm qua, đôi nghệ sĩ vẫn theo đuổi nghiệp "bầu" sân khấu vì ngoài những tác phẩm giá trị về nghệ thuật, ước ao của họ còn là gieo mầm cho lớp nghệ sĩ mới. Nhiều nghệ sĩ như Hoàng Vân Anh, Kim Huyền... trưởng thành từ cái nôi Hoàng Thái Thanh, qua năm tháng được công chúng nhận diện và yêu mến.

Mai Nhật

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top