"Những đứa trẻ trong sương" - vào Top 15 Phim tài liệu xuất sắc Oscar - theo chân cô bé H'Mông từ năm 12 đến 14 tuổi.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Kịch bản xoay quanh Di, sống trong một ngôi làng ở vùng núi Sa Pa. Khi tới tuổi dậy thì, tính cách của Di thay đổi rõ rệt. Cô gái nhỏ vô tư trở nên bốc đồng, nhạy cảm và thường xuyên xung đột với mẹ, người đang cố gắng giữ Di tránh xa những mối quan hệ mà em chưa đủ trưởng thành để xử lý.
Một ngày mùa xuân, Di đi chơi hội và bị một cậu bé hơn tuổi bắt về làm vợ. Cô cố gắng chống cự và nhất quyết không lấy chồng, muốn được tiếp tục đi học.
Phim gây ấn tượng mạnh nhờ câu chuyện về số phận của bé gái dân tộc thiểu số và tình trạng tảo hôn.
Trong buổi công chiếu sáng 16/3 tại Hà Nội, đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết gặp Di năm 2017, thấy cô bé có nhiều điểm giống bản thân hồi trẻ. Là người dân tộc Tày ở Bắc Kạn, Hà Lệ Diễm từng chứng kiến nhiều bạn bè đánh mất tuổi thơ vì lập gia đình sớm. Cô thuyết phục Di để ghi lại những dấu mốc trưởng thành của em suốt hơn ba năm. Nhiều giai đoạn, đạo diễn ăn ở như người trong gia đình.
Ở đầu phim, Di cùng đám bạn vui vẻ chơi trò cướp vợ, không biết phong tục đó có thể hoàn toàn thay đổi số phận của mình. Trong mắt chúng, việc một ngày có chàng trai nào đó kéo đi như một điều tự nhiên, không tồn tại sự lựa chọn khác.
Đạo diễn tập trung khai thác những biến đổi tâm lý của Di trong ba năm, dẫn đến cao trào khi cô bé bị một chàng trai mới quen bắt về làm vợ lúc 14 tuổi. Bộ phim trở thành cuộc xung đột về ý thức giữa các thế hệ, xoay quanh câu hỏi về phong tục tập quán và quyền con người. Di không muốn thuận theo tục cướp vợ, nhưng cô cũng sợ cha mẹ phải xấu hổ với làng xóm khi đi ngược nét văn hóa cổ truyền.
Hà Lệ Diễm thể hiện góc nhìn trung dung, không phán xét khi khai thác đề tài dân tộc.
Bộ phim không phải câu chuyện về hung thủ hay nạn nhân. Tác phẩm có nhiều phân đoạn đắt giá là các cuộc phỏng vấn ngắn giữa đạo diễn và các nhân vật. Qua lời giải thích của họ, khán giả thấu hiểu hơn suy nghĩ của người H'Mông về phong tục cướp vợ, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tất cả đặt dấu hỏi nghi ngại nhưng không chống lại hành động đã tồn tại bao đời. Vàng - chàng trai kéo Di về làm vợ - nói: "Hình như nước đi này sai sai. Em cũng không biết sao lại bắt nó. Em vẫn còn trẻ".
Cha mẹ Di hay Vàng không ép buộc các con phải sống theo kiểu cũ. Khúc mắc giữa họ và lũ trẻ cũng giống như bao bậc cha mẹ, xuất phát từ tình yêu thương con.
Bộ phim cũng thể hiện sự tiếp cận của chính quyền, nhà trường tới đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số. Thầy cô, công an địa phương xuất hiện can thiệp khi sự việc trở nên căng thẳng, nhưng chỉ dừng ở mức tư vấn, tuyên truyền, không ép buộc. "Bây giờ cưới mà đẻ là không làm giấy khai sinh cho con được đâu đấy", một cô giáo nói khi gặp mặt hai gia đình.
Bên cạnh câu chuyện của Di, Hà Lệ Diễm ghi lại những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống người H'Mông ở Sa Pa. "Người Mèo thì chắc chắn là nghèo thôi", một nhân vật trong phim nói khi mẹ Di hỏi thông tin về gia đình cậu bé kéo con gái mình về làm vợ. Người dân nơi đây phải tính toán từng tiểu tiết, như việc có nên đổi con gà nhà mình lấy con gà khác to hơn. Tuy nhiên, họ luôn lạc quan, chăm chỉ lao động và tận hưởng cuộc sống.
Một điểm cộng khác của Những đứa trẻ trong sương là khâu hình ảnh đẹp mắt và cách kể chuyện, cắt dựng hấp dẫn. Khung cảnh rừng núi phía Bắc Việt Nam hiện lên trong các khung hình giàu tính nghệ thuật.
Sau khi ra mắt, tác phẩm nhận nhiều lời khen từ cộng đồng quốc tế. Cây viết Guy Lodge của Variety nhận xét dự án đủ điều kiện để xếp vào cả thể loại phim tài liệu và phim nghệ thuật của các liên hoan trên thế giới.
Những đứa trẻ trong sương vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023, nhưng không có đề cử. Trước đó, êkíp thắng giải Phim quốc tế xuất sắc tại liên hoan phim Docaviv và giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Tài liệu Amsterdam năm 2021. Tác phẩm có điểm "tươi" 94% từ 18 bài đánh giá của giới phê bình, theo thống kê của Rotten Tomatoes.
Đạt Phan
Post a Comment