Nghệ sĩ Trà Giang khóc khi nhắc tới việc trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam ở số 4, Thụy Khuê (Hà Nội) đổ nát, không còn hoạt động.
Nghệ sĩ gạo cội phát biểu ở lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, ngày 15/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thay vì điểm lại thành tích, bà bày tỏ tâm tư về Hãng Phim truyện - nơi bà và các diễn viên cùng thế hệ từng bước trưởng thành.
Nghệ sĩ cho biết cách đây vài ngày, bà từ TP HCM ra Hà Nội thăm xưởng phim, chứng kiến cảnh "không thể tưởng tượng". "Nơi từng có 600 anh chị em văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân làm việc, từng sản xuất hàng chục phim mỗi năm, giờ đổ nát, hoang tàn. Một người hơn 80 tuổi như tôi thấy vậy rất đau lòng", bà nói.
Bà mong các lãnh đạo nhà nước quan tâm đến ngành điện ảnh một cách cụ thể hơn, để các nghệ sĩ trẻ có niềm vui, tin tưởng vào công việc họ đang làm. "Tôi có cảm giác sự quan tâm đa phần chỉ dừng ở văn bản, các lễ kỷ niệm, lễ hội. Cách quan tâm thiết thực nhất là tạo điều kiện cho nghệ sĩ làm việc, tạo môi trường cho họ đoàn kết để phản ánh hiện thực cuộc sống", bà nói.
Trước đó, bà bày tỏ tình cảm với người dân Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung đã yêu thương, khích lệ để bà từ một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, trở thành diễn viên được sống hết mình với nghề. Nghệ sĩ nói suốt đời luôn tâm niệm lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò, mỗi văn nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - đồng tình nghệ sĩ Trà Giang trong câu chuyện về Hãng phim truyện. Ông nói: "Đã hơn bảy năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần hóa hãng phim - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh. Tới hôm nay, số phận và tương lai của hãng vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không có lương hằng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp". Ông mong các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ở hãng.
Sự việc bắt đầu từ năm 2016, khi đơn vị chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất, khiến nghệ sĩ của hãng nhiều lần kiến nghị. Họ từng căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm. Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư dâng cao, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cử thanh tra hòa giải. Tuy nhiên, đến nay, công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng. Cuối năm ngoái, các nghệ sĩ kêu cứu vì 300 phim nhựa hỏng nặng do bảo quản kém.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...
Hà Thu
Post a Comment