TP HCMChâu Thanh bật khóc, Ngọc Huyền đọc thơ, Lệ Thủy nhớ kỷ niệm diễn cùng nghệ sĩ cải lương Diệp Lang, được ông tận tâm chỉ dạy.
Sau đám tang nghệ sĩ Diệp Lang ở Mỹ, tối 17/3, đạo diễn Xuân Phước, Châu Thanh, Ngọc Huyền cùng đại diện gia đình tổ chức lễ tưởng niệm ông tại chùa Tường Nguyên (TP HCM). Thay vì đặt di ảnh, họ dựng bệ thờ kết hoa tươi với hình ảnh ông trong tạo hình một nhân vật kép lão.
Nghệ sĩ cải lương thuộc nhiều thế hệ như Ngọc Giàu, Thanh Nguyệt, Lệ Thủy, Thoại Mỹ, Thoại Miêu, Phương Loan, ca sĩ Ngọc Sơn, Dương Đình Trí, diễn viên Giao Bảo tề tựu trong không gian tưởng niệm. Ở đầu buổi lễ, Ngọc Huyền, Châu Thanh tụng kinh cầu siêu cho nghệ sĩ. Sau đó, họ cùng hát, đọc thơ, ôn kỷ niệm về bậc thầy kép độc của sân khấu cải lương.
Tấm lòng hiền lành và sự tận tâm chỉ bảo nghề là điều mọi người luôn nhớ đến Diệp Lang. Châu Thanh cho biết có duyên gặp nghệ sĩ khi ông cùng đoàn Sài Gòn 2 về Tây Ninh hát năm 1979, được ông nhận làm học trò. Trong 40 năm làm nghề, hình ảnh thầy Diệp Lang vẫn luôn trong tim nghệ sĩ. Châu Thanh từng khóc khi không có tiền ăn cơm hay về quê thăm gia đình. Cố nghệ sĩ đã dúi tiền vào tay học trò và nhắn nhủ không được nản lòng, khó khăn thế nào cũng phải theo đuổi nghề. Nghệ sĩ nghẹn giọng nói: "Nếu không có Diệp Lang sẽ không có Châu Thanh ngày hôm nay. Tôi thắp nén nhang lòng để bày tỏ sự biết ơn này".
Ngọc Huyền đọc bài thơ tự viết tri ân cố nghệ sĩ: "Hữu duyên hữu phước tự kiếp nào/ Con được làm con bác Diệp Lang/ Lúc là dâu thảo, khi là cháu/ Vai diễn truyền trao các tấn tuồng/ Để rồi tuy con rời lớp diễn/ Khóc cùng với bác qua từng vai/ Cười cùng với bác qua từng chập/ Ghét cùng với bác thử thách đời/ Ngoài đời bác khiêm tốn nghiêm cung/ Kính trên nhường dưới am hiểu đời/ Dạy con dạy trò rèn đức hạnh/ Giỏi nghề hiếu đạo dâng tặng đời/ Kính yêu con tiễn người tài đức/ Một kiếp người thọ được 82/ Tiếng thơm vang mãi lưu hậu thế/ Tên tuổi Diệp Lang mãi rạng ngời".
Chị cho biết may mắn được gắn bó với nghệ sĩ trước khi ông cùng gia đình sang Mỹ định cư. Năm 2000, Ngọc Huyền diễn cùng Diệp Lang trong vở Đôi bờ (soạn giả Lê Duy Hạnh), đoạt hai huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Sau này, khi nghệ sĩ rời sân khấu qua Mỹ chữa bệnh, Ngọc Huyền vẫn thường xuyên lui tới, hỏi thăm. "Tôi gọi Diệp Lang là bác Hai vì coi như người cha, thầy trong cuộc đời. Tôi hạnh phúc khi hữu duyên làm con gái trong nghề của nghệ sĩ", chị nói. Ngọc Huyền hát bài vọng cổ Phận tơ tằm (Hữu Tài) theo yêu cầu của ca sĩ Ngọc Sơn.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu bật khóc, cho biết nhớ mãi hình ảnh cuối cùng của Diệp Lang trước khi ông từ biệt sang Mỹ định cư. Bà mong được hội ngộ đàn anh song cả hai đều tuổi cao sức yếu nên ước nguyện mãi không thành.
Hát trích đoạn Duyên kiếp, Thoại Mỹ nhớ lại kỷ niệm từng được ông dựng giúp vở này khi công diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM. Theo Thoại Mỹ, nghệ sĩ Diệp Lang đã truyền cho chị những "chiêu" khi hát vai độc, lẳng, mùi, làm hành trang suốt đời. "Công ơn của chú Diệp Lang không bao giờ tôi quên, đến giờ mọi người cho tôi cái danh hiệu cô đào đa tính cách cũng chính nhờ công dạy dỗ của nghệ sĩ", chị xúc động.
Lệ Thủy cho biết mang theo những lời khuyên, chỉ bảo của nghệ sĩ Diệp Lang suốt cuộc đời làm nghệ thuật. "Chúng tôi từng cùng nhau chu du khắp nơi, mang niềm vui, nghệ thuật cho khán giả yêu thích cải lương tuồng cổ. Anh Diệp Lang góp ý tận tình cho đồng nghiệp, không phân biệt người nổi tiếng hay mới vào nghề", Lệ Thủy nói.
Lễ tưởng niệm diễn ra đến 22h cùng ngày. Nhiều khán giả cũng đến dâng hương, thắp hoa đăng tưởng nhớ Diệp Lang. Nghệ sĩ gạo cội làng cải lương qua đời ở tuổi 82 vào khoảng 6h ngày 11/3 (giờ California), sau một cơn đau tim.
Ông tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, là nghệ sĩ cải lương, sân khấu, diễn viên điện ảnh, đạo diễn. Tám tuổi, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp đi theo đoàn cải lương Tam Phụng. Không muốn con trai nối nghiệp đàn, chỉ đứng sau sân khấu, cha ông tìm thầy dạy hát cho ông. Sau đó, nghệ sĩ Diệp Lang được đóng những vai nhỏ.
Sau này, khi cha bệnh nặng, qua đời ở quê nhà, ông quay lại Sài Gòn, tiếp tục theo nghiệp cầm ca. Sau đoàn Kim Thoa, ông tiếp tục hoạt động ở các đoàn Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo - Ba Vân. Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng. Ông có nhiều vai diễn thành công như hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Quý (Tâm sự Ngọc Hân), Trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm), ông nội (Cây lẻ bạn), ông Hai (Đàn ca tri kỷ), ba của The/Hương (Nửa đời hương phấn). Năm 1963, ông đoạt giải Thanh Tâm, cùng năm với Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài.
Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2003. Năm 2009, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư.
Hoàng Dung
Post a Comment