Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết đang xác minh thông tin Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mất hơn 100 cuốn sách.

Sáng 20/3, ông Nguyễn Xuân Diện - Phó phòng Nghiên cứu Văn học và Lịch sử, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - thông tin về sự việc trên trang cá nhân: "Viện lại mất thêm 110 cuốn sách, 877 cuốn khác trong kho mủn nát, không thể phục chế".

Chiều cùng ngày, ông Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho biết đơn vị đang thực hiện quy trình xác minh thông tin về sự việc này, sẽ thông báo rõ khi có kết quả.

Không phải lần đầu Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thông tin mất sách. Cuối tháng 12 năm ngoái, Viện xác nhận mất 25 cuốn, trong đó có bốn cuốn Toàn Việt thi lục, thuộc ba bộ khác nhau, do Lê Quý Đôn biên soạn, Việt âm thi tập do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn. Sau đó, Viện cho biết tìm thấy cuốn Nam quốc địa dư chí, do ghi nhầm ký hiệu nên tưởng bị mất. Các cuốn sách bị thất thoát vốn đã có bản scan màu, bản photocopy, được thực hiện từ trước (tức nội dung sách không bị mất).

Đại diện Viện khi đó cho biết ưu tiên tìm kiếm sách thất lạc, bao gồm việc rà soát trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách bị lẫn. Thời điểm sách bị mất, không thấy trên giá, là khoảng 5 năm trở lại đây.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm kiểm kê việc mất hơn 100 cuốn sách

Một trang "Toàn Việt thi lục" được thông báo mất, hồi 2022. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nơi tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc. Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.

Viện là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục, đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ của dân tộc có cơ hội tiếp cận tài liệu.

Theo quy định tại đơn vị này, nhằm mục tiêu bảo quản các tài liệu quý hiếm, tài liệu gốc đều được lưu tại Phòng Bảo quản. Viện tổ chức phục vụ bạn đọc nghiên cứu chủ yếu thông qua bản photocopy, bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo Viện.

Thu Huế - Viết Tuân

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top