Báo cáo từ Bệnh viện nhi Hoàng gia cho biết, nhiều phụ huynh từ chối để các bác sĩ, y tá có "diện mạo người châu Á" chữa bệnh cho con cái mình hoặc ngồi cách xa bệnh nhân khác vì những lo ngại.
"Sợ hãi và lo lắng về virus corona không phải là một cái cớ cho hành vi phân biệt chủng tộc. Chúng tôi không chấp nhận điều này hiện hữu tại bệnh viện công của chúng tôi. Mọi người không thể lựa chọn bác sĩ và y tá tham gia điều trị cho họ", Jenny Mikakos - Bộ trưởng Y tế tiểu bang Victoria nói với các phóng viên hôm 27/2.
Bà Jenny Mikakos phát biểu tại cuộc họp báo về nạn phân biệt chủng tộc đối với các bác sĩ và y tá tại bệnh viện Hoàng gia ở Melbourne. Ảnh: AAP. |
Trưởng khoa Cấp cứu Stuart Lewena chia sẻ, bệnh viện nhận thấy vấn đề này khi một nữ nhân viên y tế báo cáo rằng cha mẹ một đứa trẻ bày tỏ không thoải mái khi cô điều trị cho con họ vì lo ngại virus corona. "Rõ ràng điều này xảy ra do vấn đề chủng tộc. Chúng tôi đã trao đổi với gia đình đó rằng sự phân biệt như thế này là không được chấp nhận ở đây. Chúng tôi ủng hộ nhân viên của mình", Lewena nói.
Lewena cho biết thêm, bệnh viện đã gửi email cho tất cả nhân viên trong bệnh viện về cách đối phó hay cần phải phản ứng ra sao nếu phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc tương tự. Ba nhân viên khác cũng báo cáo về tình huống tương tự mà họ phải chịu đựng.
"Tôi nghĩ sẽ hữu ích nếu cung cấp cho nhân viên một số kịch bản đối phó trong các tình huống khó xử. Chúng tôi hiểu được sự căng thẳng, lo lắng và hoang mang đó nhưng dù sao nó cũng không nên tồn tại. Đội ngũ y tế tất nhiên vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân đó nhưng chúng tôi không muốn bỏ qua cho những gì được coi là phân biệt chủng tộc", ông nói.
Lewena cho biết, những nhân viên của ông tại bệnh viện không phải người duy nhất nếm trải sự phân biệt chủng tộc. Bà Mikakos cho biết, không có báo cáo trường hợp phân biệt chủng tộc đối với đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện bang Victoria. Nhưng một số bệnh nhân đã từ chối ngồi chung phòng chờ với bệnh nhân khác "có diện mạo người châu Á".
Một đơn vị chăm sóc đặc biệt điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV trong một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Australia ghi nhận 23 trường hợp nhiễm nCoV, 15 ca được chữa khỏi. 7 ca nhiễm virus được xác nhận ở bang Victoria, ba trong số đó trở về từ du thuyền Diamond Princess. Hiện họ được cách ly tại Howard Springs, phía bắc Australia.
Dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12/2019. Tính đến sáng 27/2, dịch đã lan rộng ra 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các ổ dịch lớn ngoài Trung Quốc là Hàn Quốc, du thuyền Diamond Princess, Italy và Iran. Cũng trong hôm nay, nhiều nước báo cáo các ca nhiễm đầu tiên như Romania, Pakistan, Na Uy và Georgia.
Trung Quốc hôm nay ghi nhận 29 ca tử vong mới do nCoV - thấp nhất trong một tháng qua. Tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc là 78.497 (tăng 430 người so với hôm qua), có 2.744 ca tử vong. Thế giới hiện có 82.116 ca nhiễm nCoV, 2.800 ca tử vong và 32.812 người đã được chữa khỏi. Iran là nước ghi nhận nhiều ca tử vong thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục, với 19 trường hợp.
>>Xem thêm:
Châu Âu giữa dịch nCoV: Nỗi sợ lan nhanh hơn virus
Mặt trái của việc cưỡng chế người dân cách ly để chống Covid-19
Người Mỹ gốc Á: Một cái hắt hơi cũng gây kỳ thị
Huyền Anh (Theo Guardian)
Post a Comment