Tiến sĩ Norio Ohmagari là giám đốc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Nhật Bản và là thành viên hội đồng cố vấn cấp cao của chính phủ. Trong cuộc phỏng vấn với CNN mới đây, ông thừa nhận quá trình cách ly du thuyền Diamond Princess "có lẽ không được hoàn hảo".
Du thuyền Diamond Princess là một trong những ổ dịch lớn ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: Angle News. |
Theo tiến sĩ, giới chức Nhật Bản đã có "một quyết định khó khăn" khi cho phép các nhân viên thủy thủ đoàn tiếp tục làm việc trên tàu, bất chấp nguy cơ lây nhiễm nhằm bảo đảm việc vận hành cho chiếc tàu này.
Tuy nhiên, vì không cách ly nhân viên trong bước đầu của quá trình kiểm dịch, các nhân viên này có thể đã nhiễm bệnh và truyền các ca nhiễm thứ cấp hoặc tam cấp cho đồng nghiệp và hành khách khác, từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng bùng phát dịch bệnh trên tàu.
"Chúng tôi nghi ngờ một số nhân viên tàu đã bị nhiễm bệnh, nhưng họ phải tự vận hành tàu du lịch, gặp gỡ các hành khách, giao bữa ăn đến các khoang tàu. Điều đó gây ra sự tiếp xúc chặt chẽ giữa thủy thủ đoàn và hành khách", ông Ohmagari nói. Ông thừa nhận rằng nếu làm đúng khoa học, tất cả thành viên thủy thủ đoàn cần phải được cách ly cùng lúc với hành khách.
Trong cuộc họp báo ngày 24/2, Yosuke Kita, một điều phối viên cấp cao của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng thừa nhận các thủy thủ trên tàu đã không được cách ly hoàn toàn. "Thật không may khi để duy trì cuộc sống thường ngày cho hơn 3.000 hành khách, chúng tôi cần sự giúp đỡ của các thành viên thủy thủ đoàn", ông nói.
Tiến sĩ Shigeru Omi, một cố vấn chính phủ khác, nói trong cùng một cuộc họp báo rằng họ "rất biết ơn" các nhân viên trên du thuyền. "Về phương diện nhân quyền, tất nhiên là chúng tôi thông cảm với các thủy thủ, nhưng chừng nào các hành khách còn ở trên tàu thì họ vẫn phải cung cấp dịch vụ," ông Omi nói.
Trong số 1.045 thành viên thủy thủ đoàn, ít nhất 150 người đã bị nhiễm virus corona, chiếm khoảng 14% nhân sự vận hành tàu Diamond Princess.
Xe buýt chờ các hành khách trên du thuyền xuống cảng Yokohama ngày 19/2. Ảnh: AFP. |
Tiết lộ của chuyên gia Nhật Bản có khả năng làm bùng lên những chỉ trích dữ dội về các biện pháp kiểm dịch của chính phủ đối với Diamond Princess. Trước đó, nhiều chuyên gia y tế nước ngoài đánh giá đây là phương án cách ly "thất bại chưa từng thấy". Một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm nói với New York Times rằng việc cô lập du thuyền với số lượng hơn 3.700 người vừa hành khách vừa thủy thủ là sai lầm nghiêm trọng. Những chỉ trích này không phải không có cơ sở khi số người bị lây nhiễm ngày càng nhiều trên con tàu, lên đến 705 người và 4 ca tử vong.
Nhiều nhân viên trên Diamond Princess đã kêu cứu vì những lo ngại lây nhiễm bệnh. Sonali Thakkar, 24 tuổi, đến từ Mumbai, nói với CNN vào đầu tháng 2 về nỗi lo lắng virus corona sẽ lây lan nhanh trong thủy thủ đoàn khi mọi người tiếp xúc gần nhau, ăn uống cùng nhau trong môi trường chật chội, khổ sở.
"Bài học duy nhất rút ra từ sự kiện này là không thể tiến hành cách ly trên một chiếc tàu", bác sĩ dịch tễ Eiji Kusumi nói với New York Times. Một số chuyên gia khác cũng cùng quan điểm, cho là đáng lý ra hành khách và nhân viên phải được đưa lên bờ để cách ly.
Mới đây nhất, theo một quan chức Nhật Bản, 240 thành viên thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess sẽ bắt đầu rời tàu trong ngày 27/2 để lên bờ, quá trình này có thể diễn ra trong vài ngày. Những nhân viên này sẽ được theo dõi trong 14 ngày tại các khu cách ly được chính phủ Nhật chỉ định, trước khi rời khỏi nước này.
Hiện vẫn còn hàng trăm thành viên thủy thủ đoàn trên tàu Diamond Princess.
Trước đó, giới chức Nhật Bản đã tiến hành cách ly hàng nghìn hành khách và nhân viên trên tàu sau khi tàu này cập cảng Yokohama hôm 3/2, sau khi một du khách Hong Kong từng đi trên thuyền dương tính với nCoV.
Hoàng Hà (theo CNN, New York Times)
Post a Comment