Bộ Y tế Hong Kong khuyến cáo rằng chó, mèo và các động vật có vú khác của bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải được cách ly 14 ngày. Động thái đưa ra sau khi các mẫu tế bào trong miệng và mũi con chó giống Pomeranian của một bệnh nhân cho ra kết quả "dương tính yếu" với nCoV ở lần xét nghiệm thứ hai - kết quả tương tự như xét nghiệm hôm 27/2. Bộ cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm trên chú chó, đồng thời họ cũng sẽ không trả lại chú chó cho đến khi nhận được kết quả là âm tính. Trước đó, các thành viên trong gia đình được cho phép chăm sóc thú cưng của người nhiễm bệnh nếu họ không sống cùng bệnh nhân và không phải tự cách ly.
Bác sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu chi nhánh bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe, cho biết: "Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ yêu cầu các chủ sở hữu gửi thú cưng của họ đến Sở Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) nhằm cách ly đảm bảo chúng không bị nhiễm bệnh".
Bộ Y tế cho biết đây không phải yêu cầu bắt buộc, nhưng không thể cho biết họ sẽ làm gì nếu một bệnh nhân từ chối giao nộp thú cưng, vì Bộ chưa đối mặt với tình huống nào như vậy.
Chuang cho biết thêm, mèo của bệnh nhân thứ 18 dương tính với nCoV ở Hong Kong - một người đàn ông 25 tuổi, đã xuất viện ngày 12/2 - được gửi đến Bộ để xét nghiệm. Kết quả âm tính và con mèo thuộc giống Exotic Shorthair được gửi lại cho chủ của nó.
Chú chó giống Shiba của một nữ bệnh nhân 68 tuổi được xét nghiệm âm tính và vẫn đang cách ly. Người phụ nữ này là ca nhiễm thứ 77 - một trong những người có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi đến thăm một ngôi chùa Phật giáo ở North Point.
Chuang cho biết giới chức y tế sẽ xem xét toàn bộ danh sách 94 bệnh nhân để xem liệu có bất kỳ vật nuôi nào cần phải được xét nghiệm hay không.
Trong tuyên bố hôm 28/2, Bộ Y tế cho biết chú chó Pomeranian có kết quả xét nghiệm ban đầu là dương tính song không cho thấy bất kỳ triệu chứng nào. Và không có bằng chứng nào cho thấy thú cưng có thể nhiễm virus corona hoặc là nguồn lây bệnh. Bộ trưởng Bộ Thực phẩm và Sức khỏe Sophia Chan Siu-chee xác nhận, chó sẽ trải qua thời gian cách ly 14 ngày tại một cơ sở bảo tồn động vật gần cầu Hong Kong - Chu Hải - Ma Cao.
Theo Chuang, con chó tiếp xúc tương đối ít với thế giới bên ngoài. "Theo chúng tôi biết, chú chó có kết quả xét nghiệm dương tính yếu khá già và hiếm khi ra ngoài. Những người mà nó tiếp xúc gần gũi nhất là những người sống cùng, cả hai người đã được cách ly", Chuang nói.
Các bác sĩ thú y ở Hong Kong kêu gọi người dân bình tĩnh sau khi "trường hợp dương tính yếu" được công bố. Bác sĩ Michael Bradley từ Trung tâm thú y Stanley cho biết ông nghĩ rằng rất khó có khả năng thú cưng như chó và mèo có thể bị nhiễm virus corona, vì rất ít virus có thể nhảy từ loài này sang loài khác. Ông cho biết: "Không cần phải hoảng sợ. Vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus này có thể lây nhiễm cho chó, mèo hoặc các động vật nuôi khác. Có thể con chó bị nhiễm virus do ô nhiễm môi trường. Một con chó có thể là một đối tượng mang virus giống mọi thứ khác, ví dụ như khăn giấy".
Chú chó được thử nghiệm dương tính yếu được cho là thuộc về một thành viên Câu lạc bộ J Racer bị nhiễm virus, có người giúp việc gia đình cũng bị nhiễm bệnh. 2 người này nằm trong số 94 trường hợp được xác nhận tại Hong Kong. "Con chó được xét nghiệm dương tính yếu từ mẫu tế bào mũi và miệng, không phải từ xét nghiệm máu. Hoàn toàn có khả năng đó là do con chó tiếp xúc với chủ hoặc ở cùng môi trường với chủ", bác sĩ David Gething của tổ chức Creature Comforts cho biết.
Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp của Đại học Trung Quốc, nói rằng kết quả dương tính yếu không có nghĩa là con chó đã bị nhiễm bệnh. "Có thể những giọt nước từ chủ vật nuôi bị nhiễm bệnh đã làm nhiễm virus cho môi trường hay chú chó", Hui nói trong chương trình phát thanh sáng 28/2. Ông cũng cho biết thêm chưa có bằng chứng nào cho thấy chó có thể bị nhiễm SARS, MERS hay Covid-19.
Tiến sĩ Florence Chan, thư ký ủy ban điều hành của HKVA, khuyên chủ vật nuôi nên rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi và tránh đưa chúng đến những nơi bẩn thỉu. Họ cũng nên rửa bàn chân của thú cưng bằng xà phòng sau khi đưa chúng ra ngoài. Hoặc chủ có thể đi "giày" cho thú cưng, sau đó tháo ra và vệ sinh riêng.
Người ta vẫn chưa biết nhiều về loại virus đang lan rộng khắp thế giới sau khi bùng lên đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Nhiều nhà khoa học nói rằng, virus lây lan theo nhiều cách, trong đó "nhảy" từ loài dơi - loài vật chủ trung gian truyền bệnh - sang người, một số loài khác cũng được cho có khả năng như tê tê, rắn. Bộ Nông nghiệp Hong Kong cho biết không có bằng chứng cho thấy thú cưng có thể bị nhiễm bệnh hoặc là nguồn lây nhiễm cho người. Tổ chức Y tế thế giới cho đến nay cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy thú cưng nuôi trong gia đình có thể nhiễm virus corona.
Dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, hiện xuất hiện tại ít nhất 52 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến gần 3.000 người tử vong. Hong Kong ghi nhận 94 ca nhiễm nCoV ở người và hai trường hợp đã tử vong.
Huyền Anh (Theo SCMP)
Post a Comment