Nghệ sĩ quá cố Thế Anh đặt tên cho con trai là Phương, Duy để kỷ niệm hai vai diễn để đời, trong "Nổi gió" và "Mối tình đầu".
Nghệ sĩ Thế Anh ngày 29/9 ở TP HCM. Ông học trường Nghệ thuật Sân khấu Hà Nội, thành công ở cả lĩnh vực phim ảnh và kịch trong hơn 50 năm sự nghiệp. Trên màn ảnh, Thế Anh biến hóa diễn xuất, có khả năng nhập vai đa dạng, từ người chính trực, đau khổ vì tình đến kẻ phản diện, mê hưởng lạc.
Nổi gió (1966)
Nhắc đến Thế Anh, nhiều người nhớ ngay vai trung úy Phương trong Nổi gió. Đây là phim đầu tiên kể cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, dựa trên kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm. Vân (Thụy Vân) theo cách mạng nhưng em cô - Phương (Thế Anh) - lại là trung úy phe miền Nam. Cô dần dùng lý lẽ thuyết phục Phương tỉnh ngộ.
Thế Anh trong "Nổi gió". Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam. |
Khi đã quay nhiều cảnh, đạo diễn Huy Thành vẫn chưa ưng ý nên dừng để tuyển diễn viên hợp vai Phương. Cuối cùng, Thế Anh được chọn dù ít kinh nghiệm đóng điện ảnh. Vai diễn này khiến ông vụt sáng, trở thành tên tuổi trong nhiều thập niên tiếp theo.
Thế Anh cho biết Phương không phải người ác ôn, trái lại có học thức. Cố nghệ sĩ thể hiện thành công chuyển biến tâm lý nhân vật khi ở lằn ranh chiến tuyến. Một trong những cảnh ông thích nhất là rửa mặt trên sông ở cuối phim. "Động tác đó giống như Phương gột rửa phần đời trước đó", ông nói.
Đường về quê mẹ (1971)
Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam. |
Phim của đạo diễn Bùi Đình Hạc thắng giải Bông Sen Vàng ở LHP Việt Nam lần hai (1970), giải đặc biệt của ban giám khảo ở LHP Quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc, 1972). Hai diễn viên nổi trội của điện ảnh cách mạng là Thế Anh và Lâm Tới lần đầu đóng cùng. Thế Anh hóa tổ trưởng Dư, còn Lâm Tới đóng vai Núi - một chiến sĩ bị đồng đội tưởng đã chết sau trận đánh bom.
Mối tình dầu của tôi (1977)
Trà Giang (trái) và Thế Anh. Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam. |
Tác phẩm của đạo diễn Hải Ninh là một trong những phim Việt đầu tiên về chủ đề tình yêu sau năm 1975. Thế Anh đóng Ba Duy - chàng sinh viên Sài Gòn yêu Diễm Hương (Như Quỳnh đóng). Khi cô chia tay và đi theo viên cố vấn Mỹ, Duy thất tình nên nghiện ngập. Anh được được chị tên Hai Lan (Trà Giang) - cán bộ tình báo cách mạng - khuyên răn.
Lúc này, Thế Anh đã 39 tuổi nhưng vẫn hóa thân thành công nhân vật trẻ hơn nhiều tuổi. Ông thắng Bông Sen Bạc cho nam diễn viên chính ở LHP Việt Nam lần 5 (năm 1980). Trong sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định vai Duy có tâm lý bất cần, giống thanh niên trong một số tiểu thuyết phương Tây thịnh hành đương thời.
Ở buổi thuộc LHP Việt Nam lần 20 (Đà Nẵng, 2017), nhiều sinh viên vẫn nhớ Thế Anh qua Nổi gió và Mối tình đầu. Ông kể Mối tình đầu có nội dung khá táo bạo và gây sốt phòng vé. Ở những cảnh Duy đau khổ, nghệ sĩ phải bỏ hình tượng thư sinh ngoài đời để theo tạo hình bụi bặm hơn. Thế Anh nói bí quyết để đóng nhiều dạng vai là phải để ý những người xung quanh, thâm nhập thực tế để hóa thân.
Đêm hội Long Trì (1989)
Tác phẩm ghi dấu ấn với dàn diễn viên kỳ cựu, nội dung về thời chúa Trịnh. Thế Anh hóa thân chúa Trịnh Sâm - người rất sủng ái Tuyên phi Đặng Thị Huệ (Lê Vân đóng). Có quyền lực, bà dung túng cho em trai là Đặng Lân (biệt hiệu cậu Giời, Hoàng Thắng đóng) quậy phá. Để khắc họa tính ưa hưởng lạc của Trịnh Sâm, Thế Anh từng phải diễn hàng chục phút cảnh lăn lê qua chân trần của các cung tần. Tuy nhiên, đoạn này bị cắt khi chiếu rạp. Cố nghệ sĩ nhận định thách thức khi đóng vua chúa là phải thể hiện được oai phong, ngay từ cái quắc mắt.
Thế Anh (trên cùng bên trái). Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam. |
Phim dựa trên tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng, khắc họa hấp dẫn những mưu mô cung đình. Nhân vật của Thế Anh tài giỏi nhưng không chống được cám dỗ, bị Đặng Thị Huệ thao túng đến mức ép gả con gái cho Cậu Giời. Nhiều trích đoạn Đêm hội Long Trì vẫn được chia sẻ trên mạng xã hội ngày nay như minh chứng cho phim cổ trang tốt vào thời bao cấp.
Sau năm 1975, Thế Anh sống ở TP HCM. Năm 2001, ông được phong Nghệ sĩ Nhân dân. Một số phim khác ông tham gia là Không nơi ẩn nấp (1971), Giao thời (2000), Người học trò đất Gia Định xưa (2002), Dốc tình (2003).
* Xem thêm:
Ân Nguyễn
Post a Comment